Dự án di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng đã khởi động hơn 16 năm nhưng đến nay vẫn chưa thể triển khai. Ảnh: Hà Minh
Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Đà Nẵng cho biết, theo đề xuất nguồn vốn giai đoạn 2021-2025, thành phố cần đến 47.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đầu tư hàng loạt dự án động lực, trọng điểm.
Nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp cho địa phương dùng để đầu tư các dự án mới và các dự án chuyển tiếp gồm 2 nguồn: nguồn vốn trong nước (10.581 tỷ đồng) và nguồn vốn ngoài nước (37.000 tỷ đồng).
Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, với số vốn này, hàng loạt các dự án quan trọng sẽ được đầu tư, như: Hệ thống cấp cứu y tế biển đảo: 200 tỷ đồng; Khu Công nghệ cao mở rộng: 1.775 tỷ đồng; mở rộng, nâng cấp Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng phục vụ nghiên cứu và phát triển vùng Nam Trung Bộ: 324 tỷ đồng; Khu làm việc đào tạo khởi nghiệp: 300 tỷ đồng; Bệnh viện Bắc Hòa Vang: 285 tỷ đồng...
Với gần 37.000 tỷ đồng vốn ngoài nước, sẽ triển khai 8 dự án trọng điểm, trong đó, đầu tư mới 6 dự án, với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 34.274 tỷ đồng như: dự án Di dời ga đường sắt và tái phát triển đô thị Đà Nẵng: hơn 12.300 tỷ đồng; dự án Hệ thống tàu điện trên cao và ngầm của thành phố với tổng vốn hơn 16.200 tỷ đồng; dự án Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh trong quản lý, điều hành giao thông thông minh: hơn 2.800 tỷ đồng; dự án thành phần tại Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng - thuộc dự án Tăng cường giáo dục lĩnh vực nghề nghiệp sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản: hơn 52,7 tỷ đồng; dự án Sửa chữa và nâng cao an toàn đập kết hợp tưới thông minh - thích ứng với biến đổi khí hậu tại thành phố Đà Nẵng: hơn 394 tỷ đồng và dự án Hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách thành phố: 4.636 tỷ đồng.
Ngoài ra, có 2 dự án chuyển tiếp đã có trong kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 là dự án Phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng hơn 2.063 tỷ đồng; dự án Cải thiện hạ tầng giao thông thành phố Đà Nẵng hơn 651 tỷ đồng.
“Rút kinh nghiệm trong thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của các đơn vị, địa phương, kế hoạch xây dựng vốn ngân sách Trung ương lần này được cụ thể hóa cả về mục tiêu, phạm vi, đối tượng và thứ tự ưu tiên bố trí vốn cũng như bám sát định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và phải phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, các dự án đầu tư trên địa bàn thành phố phải được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, quyết định đầu tư một số dự án khi chưa cân đối bổ sung nguồn vốn thực hiện...”- ông Trần Phước Sơn cho biết thêm.
Cũng theo ông Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 thiếu so với nhu cầu, trong đó không thể không kể đến nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư các chương trình mục đến nay chưa giải ngân hết, con số này lên đến hàng nghìn tỷ đồng do vướng mắc về thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng từ Covid-19. Số vốn này buộc phải chuyển sang giai đoạn tới để tiếp tục thực hiện.