Hoạt động sản xuất đang suy yếu trên toàn thế giới. Châu Âu đã rơi vào một cuộc suy thoái nhẹ vào đầu năm nay. Sự phục hồi được mong đợi của Trung Quốc hậu Covid-19 đang diễn ra chậm chạp. Nhiều thị trường mới nổi tiếp tục đối mặt với gánh nặng nợ nần và lãi suất cao.
Tuy nhiên, các quan chức ngân hàng trung ương và bộ trưởng tài chính của G20 tập trung tại Gandhinagar, Ấn Độ tuần này có thể thở phào nhẹ nhõm theo nhiều cách. Lạm phát toàn phần đang giảm. Thị trường lao động ở nhiều nước vẫn mạnh. Nhiều kịch bản tồi tệ nhất mà các quan chức nhấn mạnh sau xung đột Nga-Ukraine vào năm ngoái - từ một loạt các vụ vỡ nợ trên khắp thế giới đang phát triển, đến một cuộc suy thoái sâu sắc ở châu Âu - đã không xảy ra.
Câu hỏi hiện nay đối với các quan chức kinh tế hàng đầu thế giới là liệu họ có thể tiếp tục né tránh những hậu quả tồi tệ nhất của những mối đe dọa mà họ phải đối mặt, từ chính sách tiền tệ hạn chế đến sự suy giảm thương mại toàn cầu hay không.
Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết: “Mặc dù triển vọng không rõ ràng trong thời gian tới, nhưng triển vọng trung hạn của nền kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm”.
Đà hồi phục không như kỳ vọng ở Trung Quốc
Xuất khẩu của Trung Quốc vào tháng trước đã giảm mạnh so với một năm trước đó, trong khi lạm phát tiêu dùng không đổi - một dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu làm tăng nguy cơ giảm phát. Trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới tăng lãi suất, Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế.
“Tất nhiên nó có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. Trung Quốc là nhà nhập khẩu rất lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, vì vậy khi tăng trưởng của Trung Quốc chậm lại, nó sẽ tác động đến tăng trưởng ở nhiều quốc gia. Và chúng ta đang thấy điều đó”, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết.
Sự sụt giảm trong xuất khẩu của Trung Quốc và thương mại toàn cầu phần nào phản ánh hậu quả của lãi suất cao và việc người tiêu dùng toàn cầu quay trở lại với các dịch vụ sau khi mua hàng hóa ồ ạt trong đại dịch Covid-19. Nhưng một số nhà kinh tế lo ngại về một lực cản dai dẳng hơn đối với thương mại và tăng trưởng khi Mỹ và Trung Quốc cố gắng tạo ra khoảng cách giữa các nền kinh tế.
Nhiều công ty đa quốc gia đang xem xét việc chuyển các phần hoạt động ra bên ngoài Trung Quốc, bao gồm cả sang Ấn Độ, trong khi Mỹ và các đồng minh đã đưa ra các ưu đãi mới để khôi phục lại một số hình thức sản xuất. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Trung Quốc, một nguồn quan trọng của sự phát triển và tăng trưởng, đã sụt giảm trong quý đầu năm nay.
Việc định hướng lại chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ diễn ra trong nhiều năm, có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng ở Trung Quốc và tăng giá cho người tiêu dùng toàn cầu trong dài hạn.
Nirav Patel, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Asia Group cho biết: “Đó là một quá trình chậm chạp vì không có cơ sở hạ tầng hoặc hệ sinh thái nào ở Đông Nam Á có thể nhanh chóng tái tạo hiệu quả mà thị trường Trung Quốc mang lại”.
Để mắt đến Fed
Đối với một nền kinh tế toàn cầu gắn liền với đồng đô la, các dấu hiệu tuần trước cho thấy lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh của năm ngoái là điều đáng khích lệ, nhưng nhiều quan chức kinh tế vẫn lo ngại về Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Fed đang trên đà tăng lãi suất một lần nữa tại cuộc họp sắp tới vào tháng 7. Tuy nhiên, Fed có thể tăng lãi suất thêm bao nhiêu nữa sau đó — và lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong bao lâu — vẫn chưa chắc chắn khi các quan chức Fed đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cơ bản ngày càng nghiêm trọng hơn. Hậu quả của sự sụp đổ của Silicon Valley Bank và Signature Bank đầu năm cũng đã thắt chặt các điều kiện tín dụng ở Mỹ và có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng.
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng và chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh cho đến nay đã khiến một số nhà kinh tế mà tờ Wall Street Journal thăm dò ý kiến rút lại kỳ vọng về một cuộc suy thoái ở Mỹ, nhưng hầu hết vẫn dự báo nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ bước vào giai đoạn suy thoái trong 12 tháng tới.
Các nền kinh tế thu nhập thấp vẫn gặp rủi ro
Lãi suất tăng ở Mỹ vào năm ngoái đã thu hút vốn vào các tài sản bằng đô la, đẩy giá trị của đồng đô la lên đáng kể. Điều đó tạo ra vấn đề cho nhiều quốc gia có thu nhập thấp sử dụng đô la để trả nợ, cũng như nhập khẩu thực phẩm và năng lượng.
Trong khi đồng đô la đã sụt giảm trong năm nay, IMF cảnh báo rằng sự không chắc chắn về con đường tương lai của Fed sẽ tạo ra rủi ro cho các nước nghèo hơn khi đồng đô la tăng giá hơn nữa. Theo IMF, hơn một nửa số quốc gia có thu nhập thấp và khoảng 1/4 quốc gia có thu nhập trung bình đang lâm vào cảnh túng quẫn hoặc có nguy cơ cao về nợ nần.
Xung đột Nga-Ukraine cũng đè nặng lên các quốc gia có thu nhập thấp, làm gián đoạn nguồn cung cấp thực phẩm và năng lượng, đồng thời đẩy lạm phát trên toàn thế giới lên cao. Tùy thuộc vào diễn biến của xung đột Nga-Ukraine, những áp lực đó có thể xuất hiện trở lại. Nền kinh tế châu Âu, vốn chịu thiệt hại vào năm ngoái khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên, đặc biệt dễ bị tổn thương.
Magdalena Rzeczkowska, Bộ trưởng tài chính Ba Lan cho biết: “Những cú sốc sẽ đến nhưng chúng tôi không biết những cú sốc nào sẽ đến. Có rất nhiều điều không chắc chắn về tương lai”.