Bối cảnh chung: Lạm phát tại Mỹ vượt dự báo
Ngày 14/2/2023, Mỹ công bố thống kê lạm phát tháng 1 tăng 0,5% so với tháng liền trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước (cao hơn 0,2% so với dự đoán của các tổ chức tài chính).
Bà Loretta Mester, thành viên bỏ phiếu của FOMC - cơ quan ấn định lãi suất và các biện pháp chính sách tiền tệ của Fed cho rằng, dữ liệu lạm phát tháng 1 là bằng chứng cho thấy Fed cần tăng lãi suất thêm 0,5% trong tháng đầu năm 2023, thay vì mức tăng 0,25% như trên thực tế.
Với tiêu chí làm việc dựa trên dữ liệu, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhiều khả năng sẽ đồng ý với quan điểm của bà Mester.
Đón nhận thông tin lạm phát cao, nhưng thị trường tài chính Mỹ lại có phản ứng đi ngang. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm từ ngày 14 - 17/2/2023 chỉ tăng 0,2%/năm, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,2%. Phản ứng có phần hời hợt của thị trường cho thấy, nhiều nhà đầu tư đang có quan điểm trung lập.
VN-Index: Đà giảm đã được chặn
VN-Index đóng cửa cuối tuần với mẫu nến Pinbar tại 1.059,3 điểm, tăng 0,38% so với cuối tuần trước đó, thanh khoản ở mức trung bình. Mẫu nến “rút chân” của chỉ số cho thấy áp lực điều chỉnh được hấp thụ phần nào, có thể sẽ tạo tâm lý tích cực trong tuần giao dịch mới. Với động lượng thanh khoản ở mức lưỡng lự, DSC đánh giá, nhịp hồi phục kỹ thuật nhiều khả năng mang yếu tố tiết cung, chứ chưa phải điểm mở xu hướng tăng mạnh.
Ở đồ thị ngày, sau 2 phiên chững lại đà giảm đầu tiên, thị trường liên tiếp ghi nhận tín hiệu tích cực. Sau khi VN-Index vượt qua cản xu hướng bán với động lượng mua lên yếu dần, báo hiệu thị trường cần thời gian tích lũy nền giá trở lại. Điểm giao xu hướng 1.050 trở thành nền hỗ trợ giao dịch trong ngắn hạn.
Trên phương diện kỹ thuật, điểm số hồi phục khi tiệm cận đường trung bình động MA20 (1.030 điểm), cho thấy vị thế mua vẫn là quan điểm đầu tư chủ đạo, sau khi VN-Index xác nhận tạo đáy quanh 900 điểm. Thị trường đang mở rộng dư địa hồi phục lên mốc 1.080 điểm (ngưỡng cản fibo 0,5), trở thành điểm giao xu hướng trung hạn, với áp lực cung gia tăng.
Theo đó, nhà đầu tư nên quan sát điểm mua ngắn hạn tại nền giá 1.050, với điểm quản trị rủi ro tại ngưỡng 1.030. Trong trường hợp đà tăng không kéo theo thanh khoản, thì rủi ro “bẫy tăng giá” vẫn còn hiện hữu.
Nhóm ngành đáng chú ý: Hàng không
Mới đây, ngành du lịch lữ hành đón nhận tin không vui từ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới: Trung Quốc công bố mở tour du lịch quốc tế từ ngày 6/2/2023 tới 20 quốc gia, nhưng thiếu điểm đến là Việt Nam (trước thời điểm đại dịch Covid-19, năm 2019, lượng khách Trung Quốc chiếm tới 1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam).
Trong tháng 1/2023, khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 871.000 lượt, tăng 23,2% so với tháng 12/2022. Với tín hiệu tăng trưởng đều qua các tháng gần đây (trung bình tăng 15%/tháng), ngành du lịch kỳ vọng có thể sớm hoàn thành mục tiêu 8 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.
Mặc dù vậy, khi so sánh với khu vực châu Á, vị thế ngành du lịch Việt Nam không thực sự được đánh giá cao, chỉ xếp hạng 7 ở thống kê lượt khách quốc tế (số liệu cuối năm 2022), đứng sau cả Lào và Indonesia.
Chỉ số ngành hàng không phản ứng khá nhạy với thông tin mở tour du lịch quốc tế chưa có Việt Nam từ phía Trung Quốc, với mức điều chỉnh 12% từ vùng hai đỉnh. Song hiện tại, diễn biến chỉ số dần cho tín hiệu cân bằng, thanh khoản bán giảm dần.
Việc khai thông liên kết du lịch giữa 2 nước là chuyện một sớm một chiều. Theo đó, một số cổ phiếu đáng quan tâm là HVN, AST, VTD.