Việt Nam thu hút đầu tư hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Đức Thanh

Việt Nam thu hút đầu tư hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Đức Thanh

Đã đến lúc “trải thảm xanh” đón nhà đầu tư nước ngoài

0:00 / 0:00
0:00
Với cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế kỳ vọng sẽ có những chính sách thu hút và khuyến khích mạnh mẽ từ phía Chính phủ nhằm cùng với doanh nghiệp hướng tới một nền kinh tế bền vững.

Cấp thiết chuyển đổi từ “thảm đỏ” đến “thảm xanh”

Trong giai đoạn đầu của quá trình đổi mới và hội nhập kinh tế tại Việt Nam, Chính phủ đã “trải thảm đỏ” mời gọi nhà đầu tư. Các chính sách thu hút đầu tư cho đến nay đã đạt được những thành tựu đáng tự hào.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký còn hiệu lực tính đến ngày 20/12/2023 đạt gần 469 tỷ USD (thực hiện hơn 287 tỷ USD), đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia thu hút FDI lớn nhất trong khu vực ASEAN. Ngay lúc này, Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chiến lược “trải thảm đỏ” với các chính sách tập trung vào miễn, giảm thuế, ưu đãi chi phí cho các yếu tố hạ tầng đầu tư hay các hỗ trợ sau đầu tư, bên cạnh các hoạt động và chính sách khác, đang gặp phải một số thách thức.

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Bà Hương Vũ, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn EY Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả chỉ muốn đề cập một số trọng ý có ảnh hưởng trực tiếp, với quy mô đáng kể và mang tính thời sự, trên cơ sở các quan sát chuyên môn và lắng nghe từ nhiều bên liên quan khác nhau, trong nước và quốc tế.

Có thể thấy, thách thức đầu tiên đến từ những “luật chơi chung” đang được áp dụng trên toàn cầu, mà Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Đơn cử, các quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu khiến các ưu đãi thuế hiện hành của Việt Nam không còn phát huy tác dụng như trước, đòi hỏi phải có những cải cách.

Thách thức tiếp theo đến từ các thay đổi nội tại của nền kinh tế, khi ưu thế dân số trẻ và chi phí lao động hợp lý đang dần mất đi. Việt Nam cũng đang hướng đến thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng cao hơn để đặt chân lên nấc thang mới trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ngoài ra, các tác động của biến đổi khí hậu cũng như mức độ quan tâm đến môi trường ngày càng tăng của người tiêu dùng cũng khiến hành vi mua sắm của họ có nhiều thay đổi. Khảo sát Chỉ số người tiêu dùng tương lai của EY phát hành tháng 11/2023, với sự tham gia của hơn 22.000 người tại 28 quốc gia, trong đó có Việt Nam, cho thấy, 46% người tiêu dùng đặc biệt quan tâm đến biến đổi khí hậu. Tỷ lệ người tiêu dùng bắt đầu mua các sản phẩm giúp bảo vệ họ khỏi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ở mức khá cao (25%). Thay đổi này buộc các nhà sản xuất tại Việt Nam không thể bỏ qua các yếu tố về phát triển bền vững, nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu dùng “xanh” của khách hàng.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ biến đổi khí hậu, Việt Nam cũng đã khởi xướng những cải cách đáng kể trong chính sách thu hút đầu tư, tích cực tham gia các sáng kiến hợp tác toàn cầu để thúc đẩy phát triển bền vững. Việt Nam cũng đã đưa ra cam kết mạnh mẽ nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

“Trải thảm xanh” và hàm ý chính sách

Việc “trải thảm xanh” với hàm ý khuyến khích áp dụng các chính sách, giải pháp thu hút đầu tư hướng tới bền vững sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tiếp tục giữ vững và nâng cao vị thế thu hút đầu tư, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư mới. Đây là các khoản đầu tư chất lượng cao, thúc đẩy tăng trưởng thông qua các ngành công nghiệp đổi mới và dựa trên tri thức, thay vì chỉ dựa vào các ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất hoặc khai thác tài nguyên.

Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phê duyệt tại Quyết định số 667/QĐ-TTg ngày 2/6/2022 cũng đã khẳng định mục tiêu thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa tích cực, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Để hiện thực hóa chiến lược này, ngoài những nhóm giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, cần có những giải pháp cụ thể nhắm trúng và đúng vào nhu cầu bức thiết của các nhà đầu tư và tạo điều kiện để họ đạt được các mục tiêu chung về phát triển bền vững.

Theo quan sát của người viết, một trong những vấn đề cần quan tâm là cung ứng điện. Không chỉ là vấn đề đảm bảo nguồn cung ổn định, mà việc bổ sung các nguồn cung điện tái tạo cũng được các nhà đầu tư hết sức quan tâm. Hiện hầu hết nhà đầu tư lớn tham gia RE100, cam kết sử dụng 100% điện tái tạo trong hoạt động sản xuất để đạt được lưới điện không carbon vào năm 2040. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tên tuổi tại Việt Nam đã góp mặt trong danh sách này và đặt ra lộ trình thực hiện rất cụ thể.

Để không lỗi nhịp và hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện cam kết, Việt Nam cần khẩn trương hoàn thiện các quy định liên quan nhằm tạo điều kiện phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) - cho phép khách hàng mua điện trực tiếp từ các dự án năng lượng tái tạo - cần được nhanh chóng thực hiện. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư có thể tiếp cận và tiêu dùng năng lượng xanh, chứ không chỉ dừng ở việc mua các chứng chỉ giảm phát thải để thực hiện cam kết.

Bên cạnh đó, cần khuyến khích phát triển các khu công nghiệp xanh. Chính phủ đã có sự chuẩn bị sẵn sàng về cơ chế khi ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế, bổ sung một số nội dung liên quan các mô hình khu công nghiệp mới. Nghị định này góp phần hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào các mô hình khu công nghiệp xanh hướng đến phát triển bền vững và thúc đẩy chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp sinh thái.

Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện, các địa phương nên có những bước đi chủ động thu hút các nhà đầu tư có uy tín để nhân rộng và phát triển các mô hình khu công nghiệp xanh đã thành công tại Việt Nam. Việc xây dựng các khu công nghiệp cần được xem xét từ khía cạnh gắn kết và nâng cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động và cộng đồng xung quanh.

Cùng với đó, Chính phủ nên tiếp tục phối hợp với các tổ chức chuyên môn trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy, xây dựng và khuyến nghị hoặc ban hành một bộ tiêu chuẩn về doanh nghiệp bền vững hướng tới tiêu chuẩn ESG toàn diện (E - Môi trường, S - Xã hội và G - Quản trị), cũng như các nội dung báo cáo bắt buộc cho từng loại hình doanh nghiệp. Việc đang tồn tại nhiều bộ tiêu chuẩn như CIS, ISO 26000 hay VNSI phần nào tạo ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn và áp dụng.

Những xu hướng mới và những chuyển biến mạnh mẽ từng ngày của nền kinh tế thế giới đang tạo ra sức ép to lớn đối với sự chuyển dịch của kinh tế Việt Nam nói chung và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài nói riêng, đòi hỏi phải linh hoạt thích nghi mới có thể làm chủ trong các cuộc chơi.

Tin bài liên quan