Đã đến lúc sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Tài chính đã bắt đầu khởi động nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69).
Bộ Tài chính đã bắt đầu khởi động nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật số 69

Bộ Tài chính đã bắt đầu khởi động nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật số 69

Không phù hợp với chủ trương, quan điểm mới

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ tài chính), Luật số 69 đã tạo hành lang pháp lý cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp đã được xây dựng đồng bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập; các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, sau 5 năm triển khai, đã đến lúc nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung Luật số 69 vì trong giai đoạn vừa qua, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh đã có thay đổi.

“Ngoài ra, trong quá trình triển khai Luật số 69 và các văn bản hưởng dẫn cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế bất cập như việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định; quy định về đầu tư ra nước ngoài...”, ông Tiến cho biết.

Năm nhóm vấn đề bất cập

Tham gia đánh giá độc lập về tình hình triển khai Luật số 69, TS. Phan Đằng Chương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Vietnam đã chỉ ra 5 nhóm vấn đề cần nghiên cứu để sửa đổi bổ sung, như khái niệm vốn nhà nước và Nhà nước với vai trò là chủ sở hữu; các vấn đề ảnh hưởng tới tính cạnh tranh của DNNN; cơ cấu vốn nhà nước; đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp; vấn đề công khai và minh bạch thông tin.

Luật số 69 điều chỉnh hoạt động đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và giám sát việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại. Theo ông Chương, như vậy là quá rộng. Kết quả khảo sát cho thấy, 91% số ý kiến đề nghị chỉ nên giữ lại mục tiêu là quản lý vốn nhà nước, còn các hoạt động khác đã được quản lý, điều chỉnh bởi các luật chuyên ngành khác nhau.

“Để bảo đảm không trùng lắp, mâu thuẫn với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Luật số 69 chỉ nên tập trung vào quản lý vốn nhà nước đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp”, ông Chương kiến nghị.

Đánh giá, xếp loại DNNN cũng là vấn đề nổi lên sau 5 năm thực thi Luật số 69. Theo quy định hiện hành việc đánh giá, xếp loại doanh nghiệp căn cứ vào các tiêu chí: mức độ thực hiện kế hoạch của doanh nghiệp về doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; khả năng thanh toán nợ, nợ phải trả quá hạn...

“Chỉ tiêu đánh giá hiệu quả của doanh nghiệp là các vấn đề thuộc về kinh doanh và không thể có một đáp án chung cho tất cả doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực, địa bàn, ngành nghề khác nhau. Do đó, việc quy định cứng các tiêu chí đánh giá là chưa thực sự phù hợp, chưa phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả hoạt động của DNNN trong từng thời kỳ và trong từng giai đoạn”, ông Chương nói.

Tin bài liên quan