Đã đến lúc quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Đã đến lúc quan tâm đến chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế

Đã đến lúc, cùng với việc giải quyết các vấn đề ngắn hạn nhằm thực hiện mục tiêu ưu tiên, cần phải quan tâm đến vấn đề chiến lược là chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, nhất là khi năm 2020, với mục tiêu cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, cũng không còn bao lâu?

Kết quả của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiện nay được thể hiện trên một số điểm. Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên, do vậy, sự chuyển dịch rõ nhất trong thời gian qua là tỷ trọng trong GDP của nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản giảm xuống, tỷ trọng của 2 nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng lên.

Tỷ trọng của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng tăng lên phù hợp với tư duy chiến lược. Ngay sau khi an ninh lương thực được bảo đảm, đất nước cơ bản thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, Việt Nam đã chuyển sang thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Công nghiệp - xây dựng nhờ đó đã có sự phát triển liên tục với tốc độ cao, chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (tăng từ 22,67% năm 1990 lên 40,31% năm 2004), trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.

Tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ trong GDP đã tăng lên và đã chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 3 nhóm ngành. Đây là kết quả tích cực được nhận diện dưới các góc độ khác nhau.

Thứ nhất, việc gia tăng tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ như trên phù hợp với chủ trương mở cửa sâu rộng hơn theo cam kết hội nhập với các nước trong khu vực ASEAN (mà thời điểm năm 2015 đã đến rất gần), theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (mà năm 2017 cũng không lâu sau đó), chuẩn bị cho việc ký kết thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong không bao lâu nữa.

Thứ hai, việc gia tăng tỷ trọng của nhóm ngành dịch vụ trong GDP là xu hướng chung của thế giới. Đối với Việt Nam, việc gia tăng này nhằm khắc phục thứ bậc còn thấp của tỷ trọng này trong khu vực, ở châu Á và thế giới. Trong khu vực, tỷ trọng nhóm ngành dịch vụ trong GDP của Việt Nam thấp, đứng thứ 6/11 nước. Ở châu Á, tỷ trọng dịch vụ trong GDP của Việt Nam đứng thứ 27/43 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh (thấp hơn cả Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Banladesh, Nepal, Pakistan...). Trên thế giới, tỷ trọng dịch vụ trong GDP của Việt Nam đứng thứ 124/153 nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh (thấp hơn cả một số nước châu Phi).

Thứ ba, ưu thế sản xuất hàng hoá, thậm chí trở thành “công xưởng” của thế giới về một mặt hàng hoặc của nhiều mặt hàng nào đó; xu hướng xuất khẩu mạnh về hàng hóa của nhiều nước đang phát triển, của các nước mới nổi... đã bắt đầu xuất hiện những yếu thế trong quan hệ so sánh bất lợi trong điều kiện toàn cầu hoá, thế giới phẳng: xuất siêu về hàng hoá, nhưng lại nhập siêu lớn về dịch vụ.

Trong khi đó, các nước phát triển lại nhập siêu lớn về hàng hóa để hưởng giá nhân công rẻ, chuyển việc ô nhiễm trực tiếp sang các nước đang phát triển… và xuất siêu lớn về dịch vụ tài chính bảo hiểm… để tận dụng cơ hội “cánh kéo” tỷ giá… 

Chính vì vậy, các nước này đang quan tâm hơn đến nhóm ngành dịch vụ và xuất khẩu dịch vụ. Ngay Việt Nam cũng đã có cố gắng về mặt này, khi tổng nhập siêu về dịch vụ đã giảm xuống cả về quy mô kim ngạch (năm 2011 là gần 3,2 tỷ USD, năm 2012 còn 2,9 tỷ USD, năm 2013 còn 2,7 tỷ USD), cả về tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu (tương ứng giảm từ 36,5% xuống còn 30,1% và còn 25,7%).

Một kết quả cụ thể về việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế là tỷ trọng trong GDP của một số ngành năm 2013 đã tăng cao so với trước đây, hoặc giảm xuống là sự cần thiết. Năm 2013 so với năm 2005, tỷ trọng tăng lên có ngành sản xuất điện khí đốt (từ 3,26% lên 3,4%), cung cấp nước và xử lý nước thải, chất thải (từ 0,49% lên 0,52%), thương nghiệp (từ 12,23% lên 13,43%), ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống (tăng từ 3,21% lên 3,87%), ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (tăng từ 5,23% lên 5,53%).

Riêng hoạt động kinh doanh bất động sản - ngành có sức hút/đẩy vốn đầu tư, tạo lên sự nóng/lạnh về giá cả cũng như giao dịch, là nguyên nhân chủ yếu gây ra nợ xấu cao... - thì tỷ trọng trong GDP đã giảm mạnh xuống (từ 6,72% xuống còn 5,38%)...

Sự chuyển dịch nhanh hay chậm của cơ cấu nhóm ngành trong GDP do tác động của nhiều cơ cấu khác.

Cơ cấu lao động đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng lao động đang làm việc ở nhóm ngành nông, lâm nghiệp đã giảm xuống (từ 55,1% năm 2005 xuống còn 46,9% năm 2013); trong khi tỷ trọng lao động đang làm việc ở hai nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ đã tăng lên (tương ứng là 44,9% lên 53,6%), trong đó ở nhóm ngành dịch vụ tăng khá (tương ứng từ 27,1% lên 32%).

Nhờ sự chuyển dịch số lao động đang làm việc từ nhóm ngành có năng suất lao động thấp (là nông, lâm nghiệp - thủy sản) sang các nhóm ngành có năng suất lao động cao hơn (của công nghiệp - xây dựng và dịch vụ), nên năng suất lao động của toàn bộ nền kinh tế đã tăng lên (từ năm 2006 đến 2013, tính theo giá so sánh đã tăng 30,69% hay tăng 3,4%/năm). 

Năng suất lao động của nhóm ngành công nghiệp - xây dựng cao gấp trên 4,6 lần nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản; nhóm ngành dịch vụ cao gấp gần 3,5 lần của nhóm ngành nông, lâm nghiệp.

Cơ cấu vốn đầu tư, nếu chia theo ngành, xu hướng là tập trung cho nhóm ngành dịch vụ (chiếm trên 50%) và tỷ trọng đầu tư vào công nghiệp - xây dựng có xu hướng tăng lên (bình quân 2006 - 2010 là 41,2%, bình quân 2011 - 2013 đạt khoảng 43,5%).

Thời gian qua, do phải tập trung cao vào việc thực hiện mục tiêu ưu tiên, nên việc triển khai thực hiện việc tái cơ cấu chưa được nhiều, cần phải đẩy mạnh trong thời gian tới. Một số vấn đề cần được quan tâm hơn là: quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thủy sản là trọng điểm số một. 

Cùng với đó là tái cơ cấu nông, lâm nghiệp - thủy sản, coi đó là một trọng điểm của tái cơ cấu. Ngoài ra, tái cơ cấu đối với Việt Nam cần quan tâm đến phát triển công nghiệp phụ trợ, giảm tính gia công.       

Tin bài liên quan