Đã đến lúc phải thừa nhận bất động sản đa công năng?

Đã đến lúc phải thừa nhận bất động sản đa công năng?

(ĐTCK) Dù có tốc độ phát triển cao nhưng bất động sản nghỉ dưỡng cũng có nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là vấn đề pháp lý liên quan đến một số sản phẩm mới khiến cả doanh nghiệp và nhà đầu tư đều e ngại.

Sáng nay (15/5), chuyên trang CafeLand của Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức Hội thảo "Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019". 

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS.Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư cho biết, bất động sản nghỉ dưỡng đã có một quá trình phát triển khá nhanh từ 2014 tới nay nhờ khả năng tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất ấn tượng, trung bình khoảng 30%/năm.

Nhà nước cũng đã quyết định chủ trương đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều chính sách khuyến khích như đổi mới thủ tục cấp visa du lịch, khuyến khích tổ chức các sự kiến quốc tế, phát triển nhanh hạ tầng giao thông, khuyến khích phát triển các dự án đầu tư hạ tầng du lịch…

Từ 2014 tới nay, nguồn cung các bất động sản du lịch như biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, condotel đã tăng lên khá cao, trước hết tại các địa phương có tiềm năng du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng – Hội An, Nha Trang – Cam Ranh, Phú Quốc, sau đó đã chuyển sang các địa phương có tiềm năng du lịch nhưng chưa có nhiều dự án đầu tư như Vân Đồn, Sầm Sơn, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết…

Tuy nhiên, dù có tốc độ phát triển cao nhưng bất động sản nghỉ dưỡng cũng có nhiều điểm nghẽn, đặc biệt là vấn đề pháp lý liên quan đến một số sản phẩm mới.

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng đã áp dụng cơ chế bán bất động sản hình thành trong tương lai để thu hút vốn đầu tư vào phát triển bất động sản, đồng thời các nhà phát triển cũng đưa ra nhiều chính sách riêng để thu hút đầu tư như trao đổi kỳ nghỉ, cam kết lợi nhuận từ kinh doanh…

Dẫu vậy, các vướng mắc pháp lý với các bất động sản đa công năng, trong đó có công năng cho thuê lưu trú phục vụ du lịch vẫn chưa được giải quyết, trong đó chậm nhất là Luật Đất đai 2013. Chế độ sử dụng đất của các bất động sản du lịch không nhất quán để lại rủi ro về dài hạn cho những người tham gia đầu tư vào sản phẩm này khi quyền lợi không được đảm bảo, giảm đi nhu cầu đầu tư vào du lịch, và cần phải xem xét lại.

Đồng quan điểm, ông Đặng Hùng Võ, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với nhiều lợi thế về cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên, bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay được đánh giá có tiềm năng phát triển rất lớn. Nhưng để phát triển đúng cách thì phải có một khung pháp lý chuẩn cho phân khúc này phát triển một cách ổn định và bền vững.

Thời gian vừa qua, rất nhiều tranh luận xung quanh tính pháp lý và cách hiểu như thế nào với các loại hình sản phẩm bất động sản mới theo hướng đa công năng sử dụng như condotel, officetel, thậm chí cả shophouse.

"Trên thực tế, việc loay hoay xa đà vào tên gọi của các loại hình này không giải được bản chất của vấn đề, mà theo đó vấn đề ở đây không phải tên gọi nào mà phải tập trung vào công năng gì để quyết định chế độ sử dụng đất cho phù hợp", ông Võ nói.

"Ở đây, là cần nhìn vào bản chất của các loại bất động sản đang được quan tâm này. Đó là những bất động sản đa công năng, để có thể vừa để ở, vừa để cho thuê lưu trú, vừa để làm văn phòng, cũng như vừa để ở và vừa để làm cửa hàng. Đây thực sự không có gì là mới bởi lẽ tất cả các nhà mặt phố hiện này đều là nhà ở nhưng cũng là cửa hàng, hay với thời đại 4.0 như hiện nay thì các không gian làm việc của các doanh nghiệp thường rất không cố định", ông Võ nhấn mạnh.

Ông Võ cũng đưa ra ví dụ điển hình, nếu một nhà chung cư hạng sang thì cũng có thể vừa để ở, vừa cho thuê như một phòng của khách sạn, hay cho làm văn phòng của doanh nghiệp, miễn sao các hoạt động đó không vi phạm pháp luật. Tương tự, một condotel hay officetel thì vẫn có thể coi là mục đích chính để ở và mục đích phụ là cho thuê hoặc cho thuê làm văn phòng.

Trên thị trường hiện nay đã xuất hiện những dự án đưa ra những sản phẩm bất động sản vừa để ở (condominium), vừa để làm văn phòng cho thuê (office) và vừa để cho thuê lưu trú (hotel), phải chăng lại phải đặt tên là condoofficetel?

Theo ông Võ, trong các trường hợp đó, đất vẫn được công nhận là đất ở, nhưng có thêm công năng phụ khác. Trên thực tế, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang sử dụng căn hộ chung cư của giám đốc làm văn phòng.

"Như vậy, khái niệm bất động sản đa công năng cũng đâu có gì là mới. Các chủ dự án đưa ra mô hình mọi đơn vị bất động sản thuộc dự án đều có quyền sử dụng đa công năng. Đứng trước ngữ cảnh này, các nhà quản lý sẽ không khó trong việc điều chỉnh các loại hình bất động sản này", ông Võ cho biết thêm.

Dưới góc nhìn của các doanh nghiệp, ông Dương Đức Hiển, Giám đốc Phụ trách Bộ phận Kinh doanh Nhà ở chia sẻ, năm 2019, xét một cách khách quan, condotel vẫn là một sản phẩm bất động sản nhiều tiềm năng tại Việt Nam do chúng ta có nhiều lợi thế về du lịch với khi hậu ôn hòa, đường bờ biển dài, nhiều danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch.

Condotel vốn dĩ là 1 sản phẩm bất động sản phái sinh trong dòng nghỉ dưỡng, chắc chắn sẽ tiếp tục hưởng lợi từ sự phát triển của du lịch Việt Nam.

"Nhà đầu tư khôn ngoan vẫn có thể tìm kiếm được sản phẩm có tiềm năng sinh lời tốt, đặc biệt là tại các dự án được phát triển một cách quy mô, bài bản, chủ đầu tư có kinh nghiệm và năng lực trong dòng sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng và được quản lý vận hành chuyên nghiệp. Tuy nhiên, yếu tố mà các nhà đầu tư còn đang chờ đợi có lẽ là những quy định rõ ràng hơn về pháp lý; tính sở hữu của sản phẩm này", ông Hiển nhận định.

Tin bài liên quan