Đã đến lúc phá bỏ thế độc quyền ngành điện

Đã đến lúc phá bỏ thế độc quyền ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhu cầu tăng trưởng quy mô hệ thống điện ngày càng lớn, đòi hỏi sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, đứng trước thế độc quyền ngành điện trong nước đã lâu, chuyện phá bỏ là không đơn giản.

Theo dự thảo quy hoạch điện VIII, trong 10 năm tới nước ta sẽ cần đầu tư 13 tỷ USD mỗi năm cho cả nguồn và lưới điện. Con số không hề nhỏ cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Như vậy, một cơ chế chính sách cho thị trường điện cạnh tranh là cần thiết để thu hút vốn đầu tư xã hội hóa, FDI .

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thị trường điện cạnh tranh sẽ đem lại ích cho tất cả các bên. Khi có môi trường cạnh tranh đúng nghĩa và được kiểm soát tốt từ cơ quan điều tiết của Nhà nước, thị trường điện cạnh tranh mang lại lợi ích rất lớn cho cả người sử dụng điện và các nhà đầu tư phát triển nguồn.

Cụ thể, các nước có thể giải quyết được bài toán về giá điện một cách minh bạch, hiệu quả. Khi bước vào thế cạnh tranh, các đơn vị phát điện sẽ hoạt động theo cách tối ưu chi phí, đưa ra giá thành điện tối ưu có lợi cho toàn hệ thống, cho người mua điện.

Đồng thời, thị trường điện sẽ đưa ra giá điện bán lẻ hiệu quả đến khách hàng dùng điện cuối cùng, vì họ sẽ được hưởng lợi từ các giai đoạn cạnh tranh ở các khâu phát điện, phân phối điện và bán lẻ điện.

Mặt khác, sự cạnh tranh sẽ tạo ra môi trường khuyến khích đầu tư hiệu quả dựa trên tình hình thị trường hơn là dựa trên chỉ thị và cơ chế xin - cho. Đây cũng là cơ hội để phát triển năng lượng sạch sẽ, giúp hệ thống điện có thể tích hợp nhiều năng lượng sạch hơn nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Nhìn về thị trường điện Việt Nam, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) đã chia sẻ tại Tọa đàm “Gỡ nút thắt đầu tư của ngành điện Việt Nam” diễn ra cuối tháng 3 vừa qua rằng: “Việt Nam đang có thị trường bán buôn cạnh tranh, nhưng mới chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nên vẫn chưa hình thành một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh”.

Bà Khanh cũng chỉ ra rằng, việc phá vỡ độc quyền các ngành khác như viễn thông đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân, đất nước, giúp Việt Nam có tên trong bản đồ viễn thông thế giới. Đây cũng là bài học cho ngành điện trong nước.

Dưới góc nhìn nghiên cứu, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Việt Nam cho biết, thị trường điện nước ta hiện có bốn khâu là sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ.

Các phân khúc thị trường này tạo ra thị trường điện nói chung và mỗi phân khúc lại có một thị trường riêng. Hiện nay, thị trường sản xuất đang mở cửa cạnh tranh, dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chiếm khoảng 2/3 thị trường nhưng các doanh nghiệp tư nhân vẫn có nhiều cơ hội tham gia thị trường này.

Trong cơ cấu nguồn điện của cả nước, tỷ trọng công suất các nhà máy điện do tư nhân đầu tư chiếm 34,4%. Đây là thông điệp về chủ trương đúng đắn của Nhà nước trong huy động nguồn lực xã hội và đa dạng hóa nguồn điện.

Do đó, xã hội hóa đầu tư sẽ giúp giảm áp lực vốn đầu tư phát triển của nhà nước và EVN. Mặc dù vậy, lộ trình xây dựng xã hội hóa đầu tư và thị trường điện cạnh tranh ở nước ta vẫn còn gian nan. Vì trên thực tế, thị trường truyền tải với hệ thống trục truyền tải, đường cao thế 500kV có tính độc quyền cao, là độc quyền tự nhiên của ngành điện, khó phá vỡ.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, TS. Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc cũng khẳng định, chỉ có tạo ra thị trường cạnh tranh, thu hút được nguồn lực của tất cả các thành phần phần kinh tế thì các lĩnh vực kinh tế mới thành công, trong đó có ngành điện. Để tạo thị trường cạnh điện cạnh tranh, cần pháp luật hóa, cơ sở pháp lý vững chắc.

“Ngành điện không thể giữ mãi độc quyền, Bộ Công thương cần có cơ chế giá, cơ chế thuế phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”, ông Lương kiến nghị.

Tin bài liên quan