Ngày hôm qua (17/6), Vietcombank tăng nhẹ giá mua vào thêm 5 đồng, lên 21.200 đồng/USD so với ngày trước đó và giảm nhẹ giá bán ra 5 đồng về 21.240 đồng/USD. BIDV tăng mạnh giá mua vào của mình thêm 65 đồng, lên mức 21.200 đồng/USD dù cũng giảm 5 đồng ở giá bán về 21.240 đồng/USD. VietinBank tăng 20 đồng ở chiều mua vào là 21.190 và giảm nhẹ 5 đồng ở giá bán ra là 21.240 đồng/USD.
Đối với khối ngân hàng TMCP, Eximbank công bố tỷ giá USD mua vào ở mức 21.215/USD tăng mạnh 45 đồng và tăng nhẹ 1 đồng ở giá bán ra, 21.246 đồng so với ngày hôm qua. ACB cũng tăng mạnh 41 đồng/USD ở giá mua vào lên 21.206 đồng/USD mà chỉ tăng nhẹ 1 đồng ở giá bán ra lên 21.246 đồng/USD. Techcombank tăng nhẹ 10 đồng ở giá mua lên mức 21.180/USD và tăng nhẹ 1 đồng ở giá bán là 21.246/USD.
Như vậy, trong khi các NHTM do Nhà nước chi phối giảm giá bán USD của mình về 21.240 đồng/USD thì khối NHTM cổ phần lại tăng giá bán lên 21.246 đồng/USD. Giá mua vào thấp nhất trên thị trường ngày hôm qua là 21.180 đồng/USD, giá mua cao nhất là 21.215 đồng/USD. Còn tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn đang ổn định ở mức 21.036 đồng/USD. Tỷ giá Sở giao dịch NHNN là 21.100/21.246 đồng/USD.
Đi tìm lý do cho sự biến động nhiều chiều là không dễ. Lãnh đạo nhiều NHTM đều cho rằng quan hệ cung cầu vẫn được đảm bảo. 6 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu, cán cân vãng lai vẫn thặng dư và cán cân thanh toán thì thặng dư ở mức lớn (trên 10 tỷ USD). Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng ngoại tệ trên thị trường dồi dào giúp NHNN mua vào tăng dự trữ ngoại hối thêm 10 tỷ USD.
Tất cả các yếu tố này dường như đang khiến tỷ giá tăng lên là điều khá “phi lý”, nhưng trên thị trường tỷ giá vẫn tăng! Điều đáng chú ý nữa là khi được hỏi về nguyên nhân thực khiến tỷ giá biến động thời gian qua thì lãnh đạo các ngân hàng được hỏi hầu hết “né tránh” trả lời hoặc bình luận về việc tỷ giá của ngân hàng mình đang được đẩy lên kịch trần biên độ cho phép!
Còn các chuyên gia độc lập lý giải, biến động tỷ giá lại có nguyên nhân chính từ các ngân hàng. “Họ (các ngân hàng thương mại - pv), đang kỳ vọng NHNN sẽ nới thêm tỷ giá khoảng 1-2% trong nửa còn lại của năm để hỗ trợ xuất khẩu, đây là mức biến động trong kế hoạch của NHNN khi cần thiết, nên có thể có một số động thái găm giữ ngoại tệ ngắn hạn”, một vị chuyên gia bình luận, “Và câu chuyện thực ở đây có khía cạnh là các ngân hàng và thị trường đang gây sức ép lên NHNN trong việc điều chỉnh tỷ giá”.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng thừa nhận, trước đây, cung ngoại tệ dồi dào và tỷ giá ổn định, các NHTM giữ trạng thái âm để kiếm được lợi nhuận. Tình hình này diễn ra khá giống những tháng đầu năm 2013, tuy nhiên đến 28/6/2013, NHNN điều chỉnh tỷ giá nên năm nay, ngân hàng và thị trường kỳ vọng lịch sử sẽ lặp lại. Do đó, việc mua vào ngoại tệ, đóng trạng thái âm nên vô hình trung tỷ giá bị đội lên.
Điều này cũng nằm trong dự báo của NHNN khi mới đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cho biết: “Trong những ngày vừa qua, tỷ giá cũng có điều chỉnh tăng, có những thời điểm đã sát với trần quy định của NHNN. Ngoài yếu tố tâm lý, chủ yếu là do sự kỳ vọng của xã hội vào việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Năm nay, NHNN chủ trương sẽ giữ ổn định tỷ giá và nếu cần phải điều chỉnh thì không quá 2% ”.
“Tỷ giá lên trong những ngày vừa qua chỉ một phần nhỏ do tâm lý từ sự kiện biển Đông, còn chủ yếu là do kỳ vọng điều chỉnh tỷ giá của thị trường”, Thống đốc nhấn mạnh.
Như vậy diễn biến tỷ giá của năm ngoái đang tạo ra một kỳ vọng trong ngắn hạn, nhưng liệu NHNN có điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng hay không lại là câu chuyện trong tay của NHNN. Việc dự báo chính sách là điều cần thiết với các ngân hàng trong kinh doanh, nhưng để thị trường biến động và ảnh hưởng tới tâm lý người dân là điều chắc chắn NHNN không muốn.
Lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, NHNN vẫn đang theo dõi sát sao diễn biến tình hình. Hiện cung cầu thị trường ngoại tệ vẫn ổn định, tình hình vĩ mô, lạm phát, xuất khẩu chưa có dấu hiệu cần can thiệp bằng chính sách tiền tệ, trong đó có chính sách tỷ giá. NHNN chắc chắn sẽ chưa cần phải điều chỉnh tỷ giá chỉ đạo trong ngắn hạn.