Phá sản không phù hợp với giai đoạn vừa qua
Luật sư Đặng Dung, Công ty Luật Đặng Dung cho biết, Điều 98, Luật Phá sản năm 2014 có quy định, sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà TCTD vẫn mất khả năng thanh toán thì TCTD có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu thủ tục phá sản.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phá sản TCTD là một vấn đề có tác động mạnh đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với các TCTD, có thể dẫn đến đổ vỡ hệ thống các TCTD, ảnh hưởng đến sự điều tiết kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nên cần rất thận trọng.
Cùng quan điểm này, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Trọng tài viên VIAC cho rằng, giải pháp phá sản ngân hàng là khó khả thi trong thời điểm hiện nay vì tại thời điểm mở thủ tục phá sản, ngân hàng không đủ khả năng chi trả cho người gửi tiền ngay lập tức vì sự thiếu hụt và phải mất nhiều năm mới có thể thu hồi được, có thể gây ra tình trạng người gửi rút tiền ồ ạt, dẫn đến nguy cơ với hệ thống tài chính quốc gia. Muốn tránh nguy cơ này, đòi hỏi Nhà nước phải cam kết và có đủ tiền để bảo đảm chi trả đầy đủ tiền gửi cho người dân.
Chính vì vậy, tại Quyết định số 255/2012 ngày 1/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ: trong giai đoạn hiện nay, chưa áp dụng phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản để đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Trên quan điểm không phá sản các TCTD, trường hợp TCTD yếu kém không thể tự cơ cấu lại được thì việc NHNN mua lại, tiếp quản toàn bộ TCTD là cần thiết và giải pháp cuối cùng để bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng.
“Việc NHNN quyết định mua lại bắt buộc các TCTD yếu kém có ý nghĩa tích cực và quan trọng trong vấn đề bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền, giúp tránh được những tác động xấu đến sự ổn định hệ thống TCTD”, luật sư Đặng Dung nêu quan điểm.
Theo bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trong giai đoạn 2011-2015, với mục tiêu không để xảy ra đổ vỡ, mất an toàn hoạt động ngân hàng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội thì chủ trương của Chính phủ (đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt) về việc chưa áp dụng phá sản TCTD theo quy định của Luật Phá sản là phù hợp.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, giải pháp NHNN mua lại bắt buộc TCTD chỉ nên là bước đi đầu tiên hướng đến khuôn khổ phù hợp về thanh lý và phá sản ngân hàng, thông qua đó, nguyên tắc kỷ luật thị trường được tăng cường đối với cả cổ đông và người gửi tiền.
Cho phá sản ngân hàng để người dân không nhắm mắt gửi tiền?
Bà Nga cho rằng, trong thời gian tới, để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người gửi tiền, tạo “thanh chắn” để họ thận trọng hơn. Hơn nữa, để các TCTD quá yếu kém phá sản sẽ công bằng hơn, vì như vậy Nhà nước sẽ không phải can thiệp giải cứu dựa trên tiền thuế từ những người dân không được lợi gì từ ngân hàng này (những người không phải là cổ đông hay người gửi tiền tại TCTD đó).
“Chúng tôi đề nghị NHNN phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai công tác chuẩn bị về mọi mặt, nhất là hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Phá sản theo thẩm quyền để có thể thực hiện được quy định phá sản đối với TCTD trong thời gian tới”, bà Nga nhấn mạnh.
Chia sẻ với ĐTCK, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Thời gian tới, phải có những bước đi mạnh mẽ, quyết liệt hơn, đó là cần cho phá sản ngân hàng, để người gửi tiền buộc phải lựa chọn, cân nhắc kỹ trước nguy cơ mất tiền, thay vì cứ gửi vào nơi có lãi suất cao nhất, bất kể rủi ro sẽ như thế nào”.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, phải tính đến việc cho ngân hàng phá sản thực sự và đừng lo ngại việc này sẽ làm đổ vỡ hệ thống. Trong nền kinh tế thị trường, việc phá sản là một hiện tượng bình thường, không phải là cái chết cuối cùng của một DN mà thực tế có thể giúp DN hồi sinh với diện mạo mới và có thể là ông chủ mới.
Ông Hiếu cho biết, thủ tục phá sản ngân hàng tại Mỹ sẽ là: FDIC (Federal Deposit Insurance Corporation-Bảo hiểm tiền gửi Mỹ) tiếp quản một ngân hàng bị phá sản vào thứ Sáu, mở cửa lại vào thứ Hai vẫn với tên ngân hàng đó nhưng kèm theo bên dưới là dòng chữ “dưới sự kiểm soát của FDIC”.
Trong thời gian điều hành, những món tiền được FDIC bảo hiểm (dưới 250.000 USD) sẽ được thanh toán rất nhanh trong vòng một tuần. Đối với những người có tiền gửi tiết kiệm trên 250.000 USD sẽ chờ để FDIC bán tài sản của ngân hàng, trả phần thuế nếu có cho Chính phủ, thanh toán tiền nợ của nhân viên, các đối tác cung cấp phương tiện hoạt động kinh doanh của ngân hàng, rồi đến các khách hàng gửi tiền trên mức được bảo hiểm. Tiếp sau đó là, ngân hàng cho vay trên liên ngân hàng, các đối tác cho vay khác và cuối cùng rồi mới đến các cổ đông.
“Việt Nam có thể cho phép ngân hàng phá sản với trình tự tương tự”, TS. Hiếu khuyến nghị.
Nâng cao trách nhiệm bảo hiểm tiền gửi
Rõ ràng, một trong những vấn đề cần đặt ra khi đề cập tới phá sản ngân hàng là vai trò, trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm tiền gửi. Trong thực tiễn hoạt động tín dụng ngân hàng của nhiều quốc gia trên thế giới thì bảo hiểm tiền gửi đóng vai trò quan trọng với nhiệm vụ chính là bảo vệ hệ thống thanh toán của một quốc gia trong trường hợp ngân hàng trung ương không chống đỡ nổi một cuộc rút tiền hàng loạt khỏi hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, còn đóng vai trò dàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/tái cấu trúc của các NHTM.
Nhìn về Việt Nam, theo bà Nga, quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi, ngoài mục đích chính là “bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền” thì cơ quan này còn có trách nhiệm “phát hiện và kiến nghị NHNN Việt Nam xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng”, “tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi,… tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi”, “góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn lành mạnh của hoạt động ngân hàng”…
“Nhưng đáng tiếc là Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (DIV) chưa thực hiện được vai trò trong hệ thống tài chính là giám sát và đứng ra dàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/tái cấu trúc của các NHTM, mà mới chỉ thực hiện đối với các quỹ tín dụng nhân dân”, bà Nga nhận định.
Ông Keith Pogson, Phó tổng giám đốc EY, lãnh đạo cao cấp Dịch vụ tài chính Ngân hàng khu vực châu Á-Thái Bình Dương nói: “Việt Nam chưa có hệ thống để bảo vệ người gửi tiền/lượng tiền được gửi một cách thỏa đáng”.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện tại nếu cho phá sản ngân hàng, DIV sẽ không đủ tiền trả cho các khách hàng mặc dù mức bảo hiểm cho mỗi khoản vay chỉ có 50 triệu đồng. Do vậy, trong thời gian tới, nếu chấp nhận để một ngân hàng phá sản, DIV cần phải nâng cao năng lực và đồng thời với đó là nâng hạng mức tiền bảo hiểm lên.