Đó là đề xuất được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo đánh giá tình hình thực hiện chính sách trợ giúp DNVVN do Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục Phát triển DN cho biết, các chính sách trợ giúp DNVVN được Chính phủ cũng như các bộ, ngành ban hành khá nhiều, trong đó phải kể tới Nghị định số 56/2009/NĐ-CP gồm một số nhóm chính sách như trợ giúp tài chính, mặt bằng sản xuất, đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ, xúc tiến mở rộng thị trường, bảo lãnh cho vay…
Theo đó, khu vực DNVVN với tỷ lệ hiện chiếm khoảng 25% tổng dư nợ của nền kinh tế đã được bảo lãnh vay trên 15.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thông qua chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, với kinh phí trung bình 100 tỷ đồng mỗi năm, đã có 100 đề án xúc tiến xuất khẩu được hỗ trợ, trong đó 90% là của DNVVN...
Tuy nhiên, theo ông Hùng, trên thực tế, các chính sách này đã bộc lộ nhiều hạn chế và chưa phát huy được hiệu quả trong việc hỗ trợ các DNVVN, do phần lớn đều nằm trong hệ thống chính sách hỗ trợ chung cho DN, nên chưa tập trung vào đúng đối tượng cần hỗ trợ là DNVVN.
“Có một thực tế là các hoạt động hỗ trợ DNVVN phần lớn nằm trong chính sách phát triển DN nói chung. Do đó, khi triển khai hầu hết cũng đều lồng ghép với chương trình hỗ trợ chung của các ngành, nên không tránh khỏi phân tán mục đích, không rõ ràng và phù hợp về đối tượng”, ông Hùng phân tích và cho rằng, các chính sách hỗ trợ về công nghệ, thị trường có thể coi là điển hình cho việc hỗ trợ chung chung kiểu này.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Hùng, đã đến lúc cần nghiên cứu xây dựng một luật riêng nhằm hỗ trợ DNVVN, đảm bảo tính đồng bộ và có tính pháp lý cao nhất, tạo được cơ chế giám sát, triển khai thực thi thống nhất cũng như đánh giá được hiệu quả thực hiện các chương trình hỗ trợ cho các DNVVN.
Đồng tình quan điểm này, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Thị Thu Hằng đề xuất, cần nghiên cứu lập ra một thiết chế riêng biệt và áp dụng chính sách sao cho phù hợp đặc điểm, nhu cầu của DNVVN, tránh những quy định chung cho nhiều đối tượng DN.
“Nếu không có cách tiếp cận khoa học và căn bản thì việc đánh giá và xây dựng chính sách hỗ trợ sẽ rất khó khăn. Đó cũng là nguyên nhân khiến chúng ta nhiều năm nay cứ mãi loay hoay với các chính sách hỗ trợ các DNVVN mà không có hiệu quả trên thực tiễn”, bà Hằng khẳng định.
Một vấn đề nữa cũng được bà Hằng nhấn mạnh là cần tạo lập môi trường kinh doanh thật sự bình đẳng giữa các khu vực kinh tế và coi đây là bệ đỡ thiết yếu để hỗ trợ DNVVN có động lực phát triển. “Vẫn tồn tại một thực tế hiện hữu là DN dân doanh, DNVVN chưa thực được đối xử bình đẳng với khối DNNN và DN FDI. Nói cách khác, hiện đang có khuynh hướng xuất hiện chủ nghĩa ‘thân hữu’, đó là một số nhóm DN có mối quan hệ thân thiết với địa phương được hưởng những ưu đãi đặc biệt, nên càng khiến các DN quy mô nhỏ khó có thể cạnh tranh”, bà Hằng nói.
Đứng trên góc độ là bên cung cấp tài chính, ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc thường trực Techcombank đặc biệt quan tâm đến giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn và tài chính cho DNVVN và coi đây là “cứu cánh” khẩn cấp cho DNVVN trong bối cảnh khó khăn hiện nay. Với kinh nghiệm hỗ trợ tài chính cho DNVVN thông qua các dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ông Thắng khẳng định, rào cản lớn nhất đối với vấn đề tiếp cận vốn vay của DNVVN hiện nay là tài sản bảo đảm thế chấp.
“Cần tạo điều kiện cho vay các DN khu vực này thông qua việc giám sát và nắm bắt được phương án kinh doanh và các đối tác đầu vào - đầu ra của bản thân DN, uy tín và năng lực thực hiện hợp đồng của họ trước các đối tác. Có như vậy thì mới vượt qua được rào cản tài sản đảm bảo để giải quyết bài toán vốn cho DN quy mô nhỏ”, ông Thắng chia sẻ.