Dragon Capital đã tạo ấn tượng khi là tổ chức tài chính, nhưng hợp tác với I SPONRE về nghiên cứu bảo vệ đa dạng sinh học. Tại sao ông lại quan tâm tới vấn đề này?
Giới tài chính toàn cầu hiện có khái niệm đã đầu tư là phải đầu tư có trách nhiệm và điều này cũng là khẩu hiệu của Dragon Capital - đầu tư có trách nhiệm. Nếu như trước đây, trách nhiệm được hiểu là không đầu tư vào sản xuất thuốc lá, vũ khí, chất độc hại… thì một, hai thập kỷ gần đây, khái niệm này được nghiên cứu, phân tích, mở rộng và tăng mức độ cao hơn.
Nguyên nhân của vấn đề này là do có những minh chứng rằng, ảnh hưởng của doanh nghiệp, hoạt động kinh tế nói chung có ảnh hưởng đến môi trường sống của con người.
Trong đó, bao gồm cả ảnh hưởng đến từ việc đầu tư của các chủ thể khác nhau như nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân...
Thêm vào đó, thế hệ Millennials (thế hệ M - chỉ những người sinh ra trong giai đoạn 1980-2000) đã có tầm nhìn khác với các thế hệ trước. Nếu những gì các thế hệ trước cho là đúng, thì thế hệ M chú trọng những giá trị khác cao hơn chỉ là kinh tế mà thôi.
Bên cạnh đó, giới đầu tư tài chính cũng đang có một chủ đề khá quan trọng. Nếu cách đây 10 năm, những người tâm huyết có thể đã nghĩ tới, có thể nghiên cứu tới, bên cạnh những người không quan tâm, thì bây giờ không thể không nghĩ tới, đó là định nghĩa về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (Corporate Social Responsibility - CSR).
Nhưng theo tôi, đúng hơn đó phải là môi trường, cộng đồng và quản trị (Environmental, Social and Governance - ESG).
Ðó là câu chuyện của những yếu tố phi vật chất bắt buộc phải nằm trong quy trình đầu tư của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và đạo đức, tức là những người không chỉ nghĩ đến vật chất, mà còn phải có trách nhiệm với khách hàng trực tiếp và gián tiếp của mình cùng các đối tác hữu quan.
Dragon Capital có quan hệ gắn bó với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), những cơ quan đầu tư của Chính phủ Bỉ, Phần Lan, Hà Lan, Pháp… trong 20 năm qua và họ thúc ép Dragon Capital phải chú trọng vào ESG. Bên cạnh đó, nhiều năm trước, Dragon Capital đã từng gặp phải một câu chuyện và hiểu được bảo vệ đa dạng sinh học quan trọng như thế nào.
Ðó là một thương vụ trồng cây cao su, công ty đầu tư phá rừng tự nhiên và điều này ảnh hưởng đến cộng đồng. Dragon Capital đã rất khó giải quyết câu chuyện này và kể cả doanh nghiệp đó dù muốn cũng không giải quyết được vấn đề. Từ đó, Dragon Capital đã chú trọng hơn đến yếu tố môi trường, xã hội ở các lần đầu tư sau.
Tại buổi công bố chương trình hợp tác với I SPONRE diễn ra vào Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập của Dragon Capital, một câu hỏi được đặt ra là tại sao Công ty không quan tâm nhiều tới vấn đề này trước đó?
Thực tế, 25 năm trước chúng tôi có quan tâm, nhưng đến bây giờ mới có thể đẩy mạnh hơn. Tôi muốn chia sẻ gốc rễ của vấn đề này là Dragon Capital cũng như mọi doanh nghiệp khác, dần dần rồi mới vững mạnh lên. Ðây là quá trình có thể nói nôm na là “mở mắt ra là ăn, ăn rồi mới có sức đứng lên đi, đi bộ được rồi chạy, học hỏi xung quanh để hiểu biết thêm, đánh nhau để ngã, rồi đứng lên… và quá trình vẫn tiếp diễn”.
Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital
10 năm gần đây, Dragon Capital có suy nghĩ nhiều hơn về ảnh hưởng của mình đối với chính nhân viên trong Công ty, nhà cung cấp, đối tác, những người nắm cổ phần…, nên muốn tạo dựng lại sức ảnh hưởng này phù hợp nhất có thể.
Hiện Dragon Capital tập trung vào vấn đề đa dạng sinh học vì ngày càng có nhiều câu chuyện cho thấy mức độ quan trọng của đa dạng sinh học đối với đời sống của loài người, việc mất cân bằng của Trái đất mà hình như vẫn chưa có nhiều người nghĩ tới.
Ðó là những lý do chúng tôi chọn mốc 25 năm của Dragon Capital bằng việc tập trung một số công việc tham gia hỗ trợ nghiên cứu đa dạng sinh học, đặc biệt là giá trị kinh tế của đa dạng sinh học.
Về một chủ đề rộng hơn, trong ngành tài chính, mọi người đang quan tâm nhiều tới chữ “xanh” như cổ phiếu xanh, trái phiếu xanh, tín dụng xanh... Theo ông, đây là trào lưu hay là vấn đề cấp bách?
Câu chuyện này bao gồm cả 2 vấn đề. Có sự cấp bách nên nhiều người nói tới, nhiều người nói tới sẽ thành trào lưu và từ đó có một số thành phần thực dụng, cơ hội để kiếm lời. Ðây là vấn đề không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, mà trên toàn cầu.
Do đó, tôi muốn nhấn mạnh vào việc đầu tư phải nghiêm chỉnh, nghiên cứu và xác định những nguyên tắc khách quan, khoa học, công khai.
Dragon Capital quan tâm nhiều tới trái phiếu xanh. Nhưng thế nào là xanh? Nếu một doanh nghiệp kinh doanh mỏ than lại muốn mở rộng hoạt động qua việc trồng lúa nên phát hành trái phiếu, liệu cái này có gọi là xanh? Hoặc nhà nước phát hành trái phiếu đầu tư điện hạt nhân có phải là xanh?
Có những khó khăn theo hướng chủ quan do các khái niệm chưa được xác định đủ rõ ràng. Sự rõ ràng hơn phải là, với một dòng tiền đi từ A đến B, bên A xác định là những gì mình không nên làm bởi hoạt động đó không xanh, còn bên B chắc chắn những gì mình làm là xanh và có những khoảng cách tuỳ thuộc vào trách nhiệm của mình.
Nhưng dường như trong thực hiện các nội dung này, tính hình thức vẫn rất cao. Ông đánh giá câu chuyện này thế nào?
Tôi nhận thấy, Việt Nam đặt vấn đề này rất nghiêm túc, cho dù có câu chuyện phong trào ở một phần nào đó, bởi những năm gần đây xuất hiện nhu cầu về vốn, về sự hợp tác…
Do vậy, Việt Nam chắc chắn phải nghiên cứu sâu các khả năng khác nhau, trong đó có nguồn vốn xanh. Tuy nhiên, cách thức các nhà hoạch định tiến hành cho thấy, họ đã muốn tìm hiểu, đánh giá, phân tích vấn đề này một cách nghiêm túc.
Thực tế, ở khía cạnh xã hội và cộng đồng, Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm như giáo dục không phân biệt giới tính, ứng xử khi các trẻ em đi làm…
Tuy nhiên, về vấn đề môi trường thì không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới vẫn đang bỏ trống và Việt Nam không phải là nước quá xuất sắc trong việc giải quyết vấn đề môi trường. Khi nói tới môi trường, có thể bàn luận ở nhiều góc độ, chẳng hạn về biến đổi khí hậu, Việt Nam là nạn nhân chứ không phải tác nhân gây ra.
Có một phân tích, nếu chúng ta không xác định được giá trị kinh tế đối với đa dạng sinh học, thì rất khó để bảo vệ đa dạng sinh học đó.
Ví dụ, một cái cây đẹp ở trong vườn, chim đến làm tổ, ăn trái cây, hót véo von vào buổi sáng, cây có bóng mát để ngồi dưới, song cây đó không có giá trị kinh tế. Thế nhưng, ngày mai, chặt cây đó, xẻ thành gỗ, bán và đây là giá trị kinh tế của cây.
Qua trường hợp này chúng ta thấy rõ, khái niệm GDP không đánh giá giá trị của một cây đứng đó, có bóng mát, có trái cho chim ăn, mà khái niệm GDP chỉ xác định khi cây đó đã chết. Ðây là vấn đề vô lý và cần nghiên cứu. GDP là một khái niệm kinh tế được quan tâm, nhưng trong tương lai có lẽ sẽ lạc hậu và cần định nghĩa lại.
Dragon Capital hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực đầu tư tài chính, tiêu chí đầu tư của Công ty đã có nội dung xanh?
Dragon Capital không đầu tư vào đánh bạc, thuốc lá, rượu…, không đầu tư vào nông nghiệp được công nghiệp hoá như cao su, café, than, hoá chất, xi măng, nhà máy nhiệt điện…, nếu tham gia vào thuỷ điện thì cũng hết sức kỹ lưỡng trong cách thiết kế xây đập…
Ngược lại, một trong nhiều điều Dragon Capital muốn làm là đầu tư, hợp tác với ISPONRE, tài trợ cho một giáo sư của một trường Ðại học ở Anh nghiên cứu giá trị kinh tế của sự đa dạng sinh học...
Tôi muốn nói thêm rằng, không đầu tư vào ngành nông nghiệp không phải vì mình không thấy có cơ hội, nhưng tham gia ngành này không khéo sẽ diễn ra những ảnh hưởng không tích cực và đó là điều Dragon Capital rất không muốn.
Ðiều tôi muốn nhấn mạnh thêm là, tôi có mong ước không chỉ Việt Nam, mà toàn thế giới trong việc giới thiệu, phổ biến thông tin về câu chuyện áp thuế dựa trên lượng carbon sử dụng.
Chúng ta nói đến bền vững và có thể nói mãi, nhưng nếu chúng ta chưa xác định carbon là chất có lợi và cũng có hại, mà không không đánh thuế trên sự có hại đó, thì sẽ không có thay đổi nào trong hành động. Trên phạm vi toàn cầu, cần phải có ngay việc đánh thuế này, bởi đây là vấn đề rất cấp bách.