Đã dành được 680.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương mới

0:00 / 0:00
0:00
Tính đến hết năm 2023, cả nước đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.
Sáng 20/5. Quốc hội nghe báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách.

Sáng 20/5. Quốc hội nghe báo cáo về kinh tế, xã hội, ngân sách.

Sáng 20/5, báo cáo trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Như vậy so với báo cáo của Chính phủ vào tháng 10/2023, con số này tăng 120.000 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng cũng cho biết, công tác chuẩn bị được triển khai tích cực để chính sách tiền lương mới thực hiện từ 1/7/2024. Hiện nay, các cơ quan đã hoàn thành 19 thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, huyện. 20 bộ, ngành cũng đã ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm của công chức nghiệp vụ chuyên ngành.

Lãnh đạo Chính phủ cũng đề cập nhiệm vụ xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng trong các tháng tới.

Tại báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023, tình hình triển khai năm 2024, Chính phủ cho biết, ngân sách các cấp đã đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu (từ 1.490.000 đồng/tháng lên 1.800.000 đồng/tháng) cho các đối tượng hưởng lương từ NSNN và tăng lương hưu, trợ cấp cho các đối tượng thuộc NSNN đảm bảo từ ngày 1/7/2023.

Với năm 2024, Chính phủ nêu rõ, tổ chức điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chủ động rà soát, sắp xếp các nhiệm vụ chi; cắt giảm, tiết kiệm 5% dự toán chi thường xuyên được giao đầu năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo hoàn thành xây dựng và phê duyệt tất cả các đề án vị trí việc làm; tập trung nguồn lực thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7, Khóa XII từ ngày 1/7/2024.

Tham gia ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội, Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận xét, năm 2023, công tác xây dựng thể chế còn có một số hạn chế, trong đó có việc chưa chủ động, kịp thời đánh giá đầy đủ, toàn diện tác động của cải cách tiền lương trong quá trình xây dựng dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), chính sách trợ giúp xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách liên quan.

Về nguồn lực thực hiện cải cách tiền lương, Ủy ban Xã hội nêu, chính sách cải cách tiền lương sẽ thực hiện từ ngày 1/7/2024, trong đó, bãi bỏ “mức lương cơ sở” và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến các chính sách xã hội gắn với lương cơ sở; việc điều chỉnh mức lương hưu, mức chuẩn trợ cấp người có công với cách mạng, mức chuẩn trợ giúp xã hội và một số nhóm lao động nghỉ hưu có mức lương hưu thấp như người nghỉ hưu trước 1995 cũng như nguồn lực để thực hiện các chính sách này.

Do đó rất cần bố trí đủ nguồn lực cũng như các giải pháp đồng bộ để bảo đảm chính sách cải cách tiền lương được thực hiện tổng thể, toàn diện theo đúng chủ trương của Trung ương, theo Uỷ ban Xã hội.

Tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo có báo cáo sơ bộ bước đầu về tình hình, tiến độ triển khai thực hiện các nội dung tại Điều 3, Điều 4 Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2024, trong đó có việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/ 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Tin bài liên quan