Số liệu thống kê trong gần 10 năm trở lại đây cho thấy, tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam năm 2015 là 89,7%, năm 2016 là 97,6%, năm 2017 là 103,5%, năm 2018 là 102,9%, năm 2019 là 110,2%, năm 2020 là 114,3%, năm 2021 là 113,2%, năm 2022 là hơn 125%, năm 2023 tăng xấp xỉ 133% và đến cuối năm 2024 tiếp tục tăng lên khoảng 138%. Theo bà, những con số này nói lên điều gì?
Trong vòng 10 năm gần đây, quy mô dư nợ nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 14,7% mỗi năm, gấp đôi so với mức tăng trưởng của GDP. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường tài chính ngân hàng trong thời gian qua có sự đóng góp đáng kể từ hoạt động cải cách hệ thống tài chính, phát triển theo chiều sâu cũng như hướng theo các chuẩn mực quản trị tài chính tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP cao hơn 120% và có xu hướng tăng trong những năm qua cho thấy nền kinh tế của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào tín dụng ngân hàng.
Đây cũng là một đặc điểm của các nền kinh tế đang phát triển, khi tích lũy vốn của doanh nghiệp và người dân còn thấp, trong khi các nền tảng khác của thị trường tài chính như thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán vẫn chưa phát triển.
Việc nền kinh tế dựa vào tín dụng ngân hàng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi đa phần vốn ngân hàng là vốn ngắn hạn, trong khi nhu cầu tài chính để phát triển sản xuất - kinh doanh là trung và dài hạn. Sau đại dịch Covid, thị trường bất động sản ảm đạm, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh đã tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng, đẩy lãi suất cho vay lên cao khiến người dân và doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn để tiếp tục sản xuất - kinh doanh.
Gần đây, các tổ chức tài chính thế giới như ADB, WorldBank đều đánh giá rằng dư nợ tín dụng trên GDP của Việt Nam đang ở mức cảnh báo. Vì vậy, việc phát triển thị trường vốn lành mạnh, bền vững để san sẻ bớt gánh nặng cho hệ thống ngân hàng là giải pháp đã được cơ quan quản lý triển khai trong thời gian qua.
Hiện nay, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam mới tương đương khoảng 9,5% GDP, quy mô thị trường chứng khoán xấp xỉ 70% GDP. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các thị trường ASEAN cao hơn rất nhiều, điển hình như Thái Lan có quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 26% GDP và vốn hóa thị trường chứng khoán hơn 100% GDP. Đối với Malaysia, hai tỷ lệ này lần lượt là 53% và 92%. Như vậy, thị trường trái phiếu và thị trường chứng khoán Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.
![]() |
Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% |
Bà có nhận định gì về những con số tăng trưởng tín dụng trong báo cáo tài chính các ngân hàng đã công bố?
Tính đến cuối năm 2024, quy mô tín dụng toàn nền kinh tế đạt 15,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tín dụng đạt 15,1% trong năm, cao hơn so với con số 13,7% của năm 2023. Tín dụng chủ yếu tăng tốc từ giữa năm 2024 và được dẫn dắt bởi sự phục hồi của khu vực sản xuất và cả cầu tiêu dùng. Mặc dù hiện tại chưa có số liệu về tín dụng bất động sản, song với tỷ trọng 21 - 22% trong cơ cấu tín dụng thì sự ấm lên của thị trường bất động sản cũng góp phần thúc đẩy tín dụng trong những tháng cuối năm.
Xét kết quả kinh doanh 2024 của các ngân hàng thương mại niêm yết, tín dụng đều ghi nhận mức tăng trưởng dương. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước tiếp tục chiếm 51% dư nợ tín dụng toàn ngành, đạt mức tăng trưởng 15,4% trong năm 2024; trong đó, VietinBank tăng 16,8%, BIDV tăng 15,5%. Nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân ghi nhận tăng trưởng tín dụng đạt 19,6% trong năm 2024; trong đó, các ngân hàng quy mô lớn đều đẩy mạnh hoạt động tín dụng, điển hình như HDBank (tăng 27%), MB (tăng 24,7%), Techcombank (tăng 21,7%), ACB (tăng 19,1%)
Các ngân hàng thương mại quy mô trung bình như TPB, VIB, EIB… đều có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với trung bình toàn hệ thống. Riêng một số ngân hàng nhỏ có sự tăng trưởng chậm hơn như ABBank tăng không đáng kể quy mô cho vay (0,6%), thậm chí dư nợ tín dụng chung còn giảm so với cuối năm trước, Bac A Bank (tăng 9,2%), Saigon Bank (tăng 9,4%).
Tăng trưởng tín dụng hai chữ số là động lực chính giúp cho các ngân hàng niêm yết ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận chung đạt gần 18% trong năm 2024.
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2025, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên trong năm nay thì tăng trưởng tín dụng phải đạt 16%, nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%. Vấn đề được nhiều người quan tâm là bài toán tăng trưởng tín dụng mà vẫn kiểm soát được lạm phát như thế nào. Bà nhìn nhận ra sao về điều này?
Ngày 12/2/2025, tại Kỳ họp bất thường thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Đây là một mục tiêu đầy thách thức song nếu đạt được sẽ tạo nền tảng vững chắc để đạt tăng trưởng hai chữ số trong thời gian đủ dài, đưa đất nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển thịnh vượng.
Theo đó, các chỉ tiêu kinh tế được Chính phủ đề ra là, tổng vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 174 tỷ USD trở lên, xấp xỉ 33,5% GDP (cao hơn 3 tỷ USD so với kế hoạch đã giao); đầu tư công khoảng 36 tỷ USD (tương đương 875.000 tỷ đồng, cao hơn khoảng 84.300 tỷ đồng so với kế hoạch đã giao năm 2025 là 790.700 tỷ đồng; đầu tư tư nhân khoảng 96 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (giá hiện hành) năm 2025 tăng khoảng 12% trở lên; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2025 tăng 12% trở lên; thặng dư thương mại khoảng 30 tỷ USD và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5 - 5%.
Cùng với mục tiêu đó, năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16%, nếu tăng trưởng kinh tế đến 10% thì tăng trưởng tín dụng phải ở mức 18 - 20%. Ngân hàng Nhà nước cũng nhấn mạnh quan điểm điều hành chính sách tiền tệ phải đảm bảo những cân đối lớn của nền kinh tế, bao gồm kiểm soát lạm phát và ổn định giá trị của đồng nội tệ.
Năm 2025, tôi cho rằng, áp lực lạm phát của Việt Nam sẽ nhẹ hơn, dựa trên hai yếu tố: thứ nhất, giá dầu trung bình trong năm được dự báo thấp hơn 5 - 7% so với năm trước trong bối cảnh nguồn cung dồi dào khi Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn đẩy mạnh sản xuất dầu khí trong nước; thứ hai, giá lương thực, thực phẩm, một trong những yếu tố tác động lớn đến CPI của Việt Nam đang ổn định khi nguồn cung dồi dào. Biến số rủi ro tác động đến lạm phát thời điểm này chủ yếu đến từ tác động tiềm tàng của các chính sách thuế quan mới của Mỹ có ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng hàng hóa hay không. Nhìn chung, lạm phát ổn định trong năm 2025 sẽ tạo dư địa cho Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách điều hành linh hoạt, đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ hay việc tăng cung tiền chỉ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đặc biệt, trong một nền kinh tế có chế độ tỷ giá tương đối cố định như Việt Nam, chính sách tiền tệ sẽ ít hiệu quả hơn so với chính sách tài khóa, theo mô hình Mundell Fleming. Vì vậy, trong ngắn hạn, đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công hiệu quả sẽ mang lại tác động tích cực hơn. Về dài hạn, việc đa dạng hóa nguồn vốn, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, tinh gọn bộ máy, tối ưu chi phí… sẽ làm giảm sự phụ thuộc của nền kinh tế vào chính sách tiền tệ.