Các động thái của Fed sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Các động thái của Fed sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước

Đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đó là chia sẻ của bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam về nền kinh tế chung và chính sách tiền tệ trong năm 2025.

Số liệu của các tổ chức kinh tế thế giới cho thấy, kinh tế toàn cầu năm 2024 trụ vững trong “bão” địa chính trị. Nhìn về kinh tế Việt Nam, bà có bình luận gì?

Kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn vẫn cần thận trọng do số liệu kinh tế vĩ mô gần đây có sự điều chỉnh nhẹ. Standard Chartered dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 là 6,8% - với mức tăng của quý IV/2024 là 6,9% so với cùng kỳ năm trước, đà tăng trưởng chậm lại so với quý III/2024. Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 30/9/2024 ở mức khoảng 9%, tương tự mức trung bình trong giai đoạn 2013-2023. Ngành bất động sản vẫn đang gặp thách thức, cho dù đã có dấu hiệu phục hồi. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp chỉ tăng nhỏ giọt, cho thấy tình trạng thiếu thanh khoản, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm khoảng 20% tổng lượng trái phiếu phát hành.

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Bà Nguyễn Thúy Hạnh, Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp và Đầu tư, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam

Về thương mại, xuất khẩu tăng 14,9% và nhập khẩu tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước trong 10 tháng đầu năm 2024, với ngành xuất nhập khẩu hàng điện tử tiếp tục phục hồi. Ngành sản xuất tăng trưởng vững chắc cùng chính sách tiền tệ phù hợp cũng góp phần vào sự phục hồi kinh tế từ đầu năm 2024 đến nay. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng, được minh chứng bởi dòng vốn FDI mạnh mẽ: FDI giải ngân tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước, trong khi FDI cam kết tăng 1,9% trong cùng kỳ. Ngành sản xuất chiếm 62,6% tổng vốn FDI cam kết trong giai đoạn đó, trong khi ngành bất động sản chiếm 19%.

Về lạm phát, dù đã chậm lại trong thời gian gần đây, nhưng chúng tôi dự báo sẽ tăng trở lại trong những năm tới. Chỉ số CPI hàng tháng có thể bắt đầu tăng vào giữa năm 2025 và cho đến gần đây, chỉ số này vẫn ở mức trên 4% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát đảo chiều có thể làm phức tạp quá trình phục hồi trong nước và tạo ra thách thức cho ngân hàng trung ương. Chúng tôi duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,7% cho năm 2024 và 3,8% cho năm 2025. Lạm phát quý IV/2024 có thể ở mức 3,1% so với cùng kỳ năm trước (quý III/2024 là 3,5%).

Việc cắt giảm lãi suất gần đây của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được kỳ vọng sẽ hỗ trợ các loại tiền tệ châu Á, bao gồm đồng Việt Nam. Tuy nhiên, dữ liệu kinh tế Mỹ khả quan hơn dự kiến đã gia tăng áp lực cho thị trường ngoại hối châu Á. Các yếu tố như sự bất ổn trong chính sách thương mại và các biện pháp có khả năng gây lạm phát dưới thời ông Donald Trump có thể làm giảm tính ổn định của tiền tệ trong khu vực.

Bước sang năm 2025, kinh tế thế giới được nhận định bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần chuẩn bị như thế nào?

Chúng tôi duy trì dự báo lạm phát ở mức 3,7% cho năm 2024 và 3,8% cho năm 2025.

Chúng tôi dự báo GDP của Việt Nam sẽ tăng mạnh 6,7% vào năm 2025, với mức tăng trưởng trong nửa đầu năm đạt 7,5% so với cùng kỳ năm 2024 và ở mức 6,1% trong nửa cuối năm. Kỳ vọng các hoạt động kinh doanh sẽ tăng trong năm 2025 và những năm tiếp theo, với sự hỗ trợ từ nguồn đầu tư từ nước ngoài. Dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 của chúng tôi thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 7-7,5%. Chính phủ đặt mục tiêu thúc đẩy các động lực kinh tế mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và nền kinh tế tuần hoàn.

Đồng USD có thể phải đối mặt với giai đoạn suy yếu vào đầu năm 2025 do Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất và sự bất ổn trong việc thực hiện chính sách. Tuy nhiên, dự kiến đồng bạc xanh sẽ bật mạnh trở lại vào nửa cuối năm 2025, khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của ông Trump được làm rõ và triển khai. Lạm phát kéo dài cùng các yếu tố cấu trúc như hiệu quả kinh tế sẽ tác động đến thị trường ngoại hối, với động lực chính là chênh lệch tỷ giá.

Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn tiếp diễn. Điểm tích cực là Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để nắm giữ thị phần đang ngày càng tăng trong sản xuất và xuất khẩu toàn cầu nhờ hội nhập tốt với thương mại quốc tế sau khi ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Cán cân thanh toán (BoP) của Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi thương mại hàng hóa và thu hút FDI; hiệu suất của khu vực kinh tế đối ngoại vẫn tương đối vững chắc. Giá cả hàng hóa gia tăng sẽ ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế đối ngoại. Dẫu vậy, việc Fed cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong thời gian tới, dẫn đến tỷ giá quy đổi USD/VND ở mức 25.250 đồng/USD vào cuối năm 2024 và 25.450 đồng/USD trong quý II/2025.

Chúng tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong quý II/2025. Sự kỳ vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ từ Chính phủ đang hỗ trợ cho mức lãi suất thấp ở hiện tại. Lạm phát có thể tăng trở lại từ quý II/2025, do đó lãi suất sẽ trở lại bình thường trong quý này. Các động thái của Fed cũng sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất USD thấp hơn có thể giúp giảm dòng vốn chảy ra nước ngoài, trong khi thặng dư thương mại bền vững cùng nguồn thu ngoại tệ mạnh mẽ từ ngành du lịch sẽ hỗ trợ tiền đồng. Dù vậy, dự trữ ngoại hối dành cho nhập khẩu thấp vẫn là một thách thức.

Những dự báo của Standard Chartered đã cụ thể hóa bằng con số và không xa so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Theo bà, giải pháp nào sẽ là bàn đạp để Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế trong 2025?

Sự rõ ràng trong triển vọng chính sách sẽ củng cố thêm niềm tin của các nhà đầu tư. Để thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong trung hạn, Việt Nam sẽ cần tăng cường các phương án ứng phó với thiên tai, đa dạng hóa nền kinh tế ngoài sản xuất và tìm kiếm thêm nguồn FDI khác ngoài châu Á.

Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa nguồn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh sẽ đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam phát huy tiềm năng và đẩy nhanh phát triển kinh tế vào năm 2025.

Tin bài liên quan