Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 16/6, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, hiện đã có kết quả thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ bán chéo sản phẩm qua một số ngân hàng thương mại.
"Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm đang hoàn thiện kết luận thanh tra để báo cáo cấp có thẩm quyền và dự kiến công bố ngay trong tháng 6 này", ông Tuấn nói.
Theo đại diện Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm; trong đó có hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.
Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng; nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.
Tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phải thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng.
Đối với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng, Bộ đã làm việc trực tiếp, yêu cầu doanh nghiệp xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.
Buổi họp báo thường kỳ quý II/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 16/6 |
Trước đó, cuối năm 2022, từ những phản ánh của khách hàng mua bảo hiểm và báo chí, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo thanh tra hoạt động của 4 doanh nghiệp bảo hiểm bán sản phẩm qua ngân hàng đồng thời lập đường dây nóng tiếp nhận thông tin kiến nghị liên quan đến bán sản phẩm bảo hiểm qua tổ chức tín dụng.
Sau đó, đường dây nóng đã tiếp cận hàng trăm cuộc gọi, email phản ánh bức xúc của khách hàng liên quan đến lĩnh vực này. Tại cuộc họp báo quý I/2023 của Bộ Tài chính tổ chức cuối tháng 3/2023, đại diện Bộ Tài chính cho biết qua thanh tra đã phát hiện một số sai phạm như phản ánh của khách hàng.
Liên quan đến vụ hàng trăm khách hàng gửi tiết kiệm ở Ngân hàng SCB bị "hô biến" thành sản phẩm bảo hiểm "Tâm An đầu tư" của Công ty bảo hiểm Manulife, báo chí đề nghị ông Doãn Thanh Tuấn cập nhật kết quả xử lý và xác nhận thông tin về số tiền 800 tỷ đồng Manulife đã trả lại khách hàng.
Về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, con số 800 tỷ đồng là thông tin được đưa ra từ phía doanh nghiệp; đến nay Bộ Tài chính chưa có con số cụ thể, cập nhật hơn so với thông tin của Bộ Công an cung cấp hồi đầu tháng 6/2023.
Trước đó, bên lề cuộc họp báo Chính phủ ngày 3/6, trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho biết, cơ quan công an đã nhận được 579 đơn tố cáo liên quan đến vụ việc.
Theo báo cáo của Manulife, tính đến ngày 31/5, đơn vị này đã tiếp nhận 6.060 hợp đồng. Số khiếu nại mà đơn vị đã hoàn thành giải quyết là 3.553 hợp đồng và hiện đang giải quyết 2.507 hợp đồng; đã hoàn trả số tiền hơn 800 tỷ đồng cho khách hàng.
Các nội dung tố cáo cho thấy, một số người gửi tiết kiệm tại Ngân hàng SCB khi đến thời hạn tất toán đã được nhân viên của ngân hàng tư vấn sai sự thật, mời chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang các gói đầu tư sinh lời cao do SCB phát hành, nhưng thực chất là hợp đồng bảo hiểm "Tâm An đầu tư" của Manulife.
Đến năm tiếp theo, khi Manulife yêu cầu khách hàng tiếp tục đóng phí bảo hiểm, những người này mới biết mình đã ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ chứ không phải gói đầu tư tiết kiệm như nhân viên SCB tư vấn.