Phiên này, các cổ phiếu công nghệ là Apple và Nvidia Corp sụt giảm hơn 4% đã nhấn chìm Nasdaq xuống gần mức đáy năm 2022, được thiết lập vào giữa tháng 6.
Trong khi chỉ số S&P 500 chạm mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Chỉ số này đã giảm hơn 8% trong tháng 9, và đang tiến gần đến việc kết thúc tháng 9 tồi tệ nhất kể từ năm 2008.
Việc bán tháo trong tiếp tục diễn ra khi các quan chức Fed không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ tiết chế hoặc thay đổi kế hoạch tăng lãi suất mạnh mẽ để hạ nhiệt lạm phát.
Chủ tịch Fed Cleveland, Loretta Mester cho biết, bà không thấy sự khó khăn trên thị trường tài chính Mỹ sẽ làm thay đổi kế hoạch của ngân hàng trung ương nhằm giảm lạm phát thông qua các đợt tăng lãi suất, vốn đã đưa lãi suất chuẩn của Fed lên dao động từ 3,0% đến 3,25%.
Dữ liệu mới hôm nay còn cho thấy, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ trong tuần trước giảm xuống mức thấp nhất 5 tháng. Điều này đồng nghĩa thị trường việc làm của Mỹ tiếp tục vững vàng giữa lúc Fed tăng mạnh lãi suất.
Phil Blancato, người đứng đầu Ladenburg Thalmann Asset Management tại New York, cho biết: “Tin tốt nay lại là tin xấu, khi dữ liệu tích cực về thị trường lao động một lần nữa nhắc lại rằng Fed còn nhiều dư địa để tăng lãi suất. Nỗi sợ hãi là Fed sẽ đẩy chúng ta vào một cuộc suy thoái rất sâu, điều này sẽ gây ra khủng hoảng thu nhập, đó là lý do tại sao thị trường đang bán tháo”.
Kết thúc phiên 29/9, chỉ số Dow Jones giảm 458,12 điểm (-1,54%), xuống 29.225,61 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 78,57 điểm (-2,11%), xuống 3.640,47 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 314,13 điểm (-2,84%), xuống 10.737,51 điểm.
Chứng khoán châu Âu sụt giảm, khi kế hoạch mua lại trái phiếu của Ngân hàng Trung ương Anh đang gặp khó khăn, trong khi dữ liệu lạm phát tồi tệ từ Đức làm dấy lên lo ngại về giá cả tăng vọt và các động thái diều hâu hơn của ngân hàng trung ương.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm giảm 1,67% xuống 382,89 điểm.
Gần như tất cả các lĩnh vực thuộc STOXX 600 đều chìm trong sắc đỏ, với các nhà bán lẻ giảm 4,4%, trong đó, chuỗi thời trang lớn thứ hai thế giới H&M giảm 5,9%, NEXT giảm 12,2% sau khi cắt giảm dự báo doanh thu và lợi nhuận.
Các thông tin cập nhật đáng thất vọng của công ty đã làm gia tăng lo lắng của nhà đầu tư vào thời điểm châu Âu đang vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng và các ngân hàng trung ương đang thắt chặt chính sách để dập tắt lạm phát.
Chỉ số STOXX 600 đã giảm 11 trong 13 phiên gần nhất và giảm hơn 10%.
Chỉ số DAX của Đức đã giảm 1,7% khi dữ liệu cho thấy lạm phát ở nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã tăng cao hơn dự kiến trong tháng 9 lên mức 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong hơn 70 năm do giá năng lượng tác động mạnh.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu của Anh tiếp tục tăng, sau khi Thủ tướng Anh Liz Truss bảo vệ kế hoạch tăng trưởng kinh tế gây tranh cãi của mình, bao gồm việc cắt giảm thuế đã gây ra sự tàn phá trên thị trường tài chính sau khi nó được đưa ra vào tuần trước.
Chỉ số FTSE 100 của London giảm 1,8%, trong khi chỉ số vốn hóa trung bình giảm 3,1%.
Kết thúc phiên 29/9: Chỉ số FTSE 100 của London giảm 123,80 điểm (-1,77%), xuống 6.881,59 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 207,73 điểm (-1,71%), xuống 11.975,55 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris giảm 88,14 điểm (-1,53%), xuống 5.676,87 điểm.
Tuần này, giá dầu thô đã thoát khỏi đáy của 9 tháng thiết lập vào đầu tuần, nhờ tỷ giá đồng USD hạ nhiệt và lượng dầu tồn kho của Mỹ giảm mạnh hơn dự báo, nhưng đã điều chỉnh trong phiên thứ Năm.
Thị trường đang hướng tới ngày 5/10, khi OPEC+ sẽ có cuộc họp về vấn đề sản lượng, và có khả năng sẽ bàn về cắt giảm hạn ngạch khai thác dầu.
Kết thúc phiên 29/9, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 0,92 USD/thùng (-1,13%), xuống 81,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,83 USD/thùng (-0,94%), xuống 88,49 USD/thùng.