Về khung pháp lý, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, HOSE và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng rà soát các quy chế hướng dẫn về CW trước khi ban hành. Bộ Tài chính đã xây dựng các văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán và chính sách thuế về CW, đồng thời đang thực hiện lấy ý kiến thị trường trước khi ban hành.
Về hệ thống giao dịch, HOSE cũng như các công ty chứng khoán thành viên đã hoàn tất 3 lần chạy thử nghiệm. Nhóm công ty chứng khoán dự kiến triển khai CW đợt đầu tiên bao gồm SSI, HSC, VND và MBS đã hoàn thiện hệ thống tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro; chuẩn bị đầy đủ về nhân sự, quy trình nghiệp vụ. Hiện các thành viên đang tích cực mở rộng kế hoạch đào tạo về sản phẩm đến nhà đầu tư. Song song với đó, HOSE phối hợp sát sao với các thành viên trong việc hoàn thiện hồ sơ chào bán CW.
Một phần không thể thiếu là công tác tuyên truyền, đào tạo cho các công ty chứng khoán và nhà đầu tư cũng đã được cơ quan quản lý tích cực triển khai thông qua nhiều buổi hội thảo, hội nghị. HOSE đã mời chuyên gia nước ngoài về đào tạo chuyên sâu tại các công ty chứng khoán, tổ chức 10 buổi hội thảo trực tiếp cho hơn 600 nhân viên các công ty chứng khoán.
Do CW là sản phẩm mới, có tính đòn bẩy cùng khả năng sinh lời cao hơn so với cổ phiếu thông thường, hứa hẹn tạo ra thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao - đồng nghĩa để giảm thiểu rủi ro, đòi hỏi nhà đầu tư phải có sự hiểu biết nhất định trước khi tham gia giao dịch sản phẩm. Do vậy, HOSE cũng phối hợp cùng các công ty chứng khoán để đào tạo trực tiếp cho nhà đầu tư.
Trong giai đoạn đầu triển khai, để có thể thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư cũng như tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận với sản phẩm mới, sản phẩm cơ bản và đơn giản nhất là chứng quyền mua với tài sản cơ sở là cổ phiếu, thực hiện quyền kiểu châu Âu và thanh toán bằng tiền sẽ được triển khai. Sau đó, HOSE sẽ thực hiện đánh giá thị trường, xem xét chỉnh sửa và hoàn thiện các quy định, rồi tiến đến triển khai các loại chứng quyền khác phức tạp hơn.
Tương tự các thị trường có chứng quyền phát triển trên thế giới như Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông…, Việt Nam cũng đặt các tiêu chuẩn khắt khe đối với công ty chứng khoán trở thành tổ chức phát hành CW. Cụ thể, phải đáp ứng được điều kiện vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu tối thiểu 1.000 tỷ đồng; không có lỗ lũy kế; được cấp phép đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán…, đặc biệt chú trọng yêu cầu về quản trị rủi ro của tổ chức phát hành.
Hoạt động phòng ngừa rủi ro của tổ chức phát hành được theo dõi và giám sát chặt chẽ bởi HOSE thông qua chế độ báo cáo hàng ngày. HOSE có quyền yêu cầu tổ chức phát hành giải trình nếu xét thấy các thông số đưa ra chưa hợp lý. Cùng với đó, chỉ công ty chứng khoán có tỷ lệ an toàn tài chính tốt (tỷ lệ an toàn vốn khả dụng trên 250%) mới được phát hành CW và chỉ được phát hành giá trị tùy theo mức vốn khả dụng của công ty.
Ngoài ra, quy định pháp luật còn yêu cầu tổ chức phát hành phải ký quỹ ban đầu tối thiểu 50% giá trị loại CW dự kiến chào bán để đảm bảo khả năng thanh toán. Mặt khác, điều kiện để làm chứng khoán cơ sở là những cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán, đáp ứng tiêu chí về mức vốn hóa thị trường, mức độ thanh khoản, tỷ lệ tự do chuyển nhượng, kết quả hoạt động kinh doanh của tổ chức phát hành chứng khoán cơ sở…
CW vừa là sản phẩm đầu tư, vừa là công cụ phòng ngừa rủi ro hiệu quả với chi phí đầu tư thấp hơn các sản phẩm truyền thống là cổ phiếu, chứng chỉ quỹ… CW được giao dịch và thanh toán giống như cổ phiếu, việc triển khai CW được kỳ vọng sẽ đáp ứng đa dạng các nhu cầu và khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư trên thị trường. Mặt khác, việc CW không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại cũng tạo điều kiện góp phần thu hút dòng vốn nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam.