Thông tư, quy chế đã có
Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, uỷ viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc phụ trách Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) cho biết, nền tảng cơ sở để triển khai sản phẩm CW là Thông tư số 107/2016/TT-BTC hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có đảm bảo; các quy chế hướng dẫn về CW (của UBCK và HOSE), quy trình nghiệp vụ có liên quan, văn bản hướng dẫn về chế độ kế toán và chính sách thuế về CW.
Tính đến nay, cùng với Thông tư 107 đã có hiệu lực thi hành, các văn bản còn lại đã được các đơn vị hoàn tất dự thảo trình cấp trên xem xét để ban hành trong thời gian sắp tới. Sản phẩm mới sẽ được xem xét trên khía cạnh pháp lý nhằm đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của tổ chức phát hành (công ty chứng khoán - CTCK) và lợi ích của nhà đầu tư, đồng thời bảo đảm thị trường an toàn, hiệu quả.
Về phía HOSE, dựa trên Thông tư 107, Sở đã tiến hành xây dựng các quy chế liên quan đến CW bao gồm Quy chế hướng dẫn niêm yết, giao dịch, công bố thông tin và phòng ngừa rủi ro và tạo lập thị trường đã được UBCK xem xét hoàn chỉnh. Hệ thống giao dịch của HOSE cũng đã được điều chỉnh và kiểm nghiệm với các CTCK tiên phong phát triển sản phẩm này. Nhiều CTCK đang tích cực phối hợp với HOSE chuẩn bị cho sản phẩm mới, bao gồm cả công tác đào tạo, tuyên truyền cho nhà đầu tư.
Theo HOSE, để hoạt động giao dịch CW được diễn ra công bằng, hiệu quả, ngăn ngừa và phát hiện các hoạt động trái phép, các cơ quan quản lý thị trường đã xây dựng các tiêu chí và hệ thống giám sát chặt chẽ việc giao dịch CW cũng như nghĩa vụ tạo lập thị trường của tổ chức phát hành.
CW: chờ đợi thời điểm phù hợp
Tuy nhiên, ngày ra đời cụ thể của CW vẫn chưa được xác định rõ. Theo ghi nhận của Báo Đầu tư Chứng khoán, do TTCK phái sinh mới ra đời và hoạt động khá sôi động mấy tháng qua, nên nhiều khả năng CW sẽ được nhà quản lý lùi thời điểm ra mắt vào cuối năm 2017, hoặc đầu năm 2018, để nhà đầu tư không bị rối với sản phẩm mới. Về phía thị trường, thanh khoản trên thị trường cơ sở, đặc biệt là sàn HOSE và phái sinh tăng mạnh, đang khiến khối CTCK bận rộn liên tục, công tác xây sản phẩm mới CW vì thế chưa phải là yêu cầu cấp bách lúc này.
CTCK VNDIRECT là một trong số ít CTCK nhiệt tâm nhất cho ngày ra mắt CW. Như chia sẻ từ ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc VNDIRECT, sản phẩm CW có ưu điểm nổi trội là vốn đầu tư thấp (so với mua chứng khoán cơ sở); được sử dụng đòn bẩy cao và cơ hội đạt tỷ suất lợi nhuận cao; nhà đầu tư xác định được mức lỗ tối đa, lãi không giới hạn và đặc biệt là không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Những đặc tính này khiến CW được dự báo sẽ hấp dẫn dòng tiền khi đi vào triển khai.
Tuy vậy, CW cũng tiềm ẩn rủi ro như việc mất phí khi giá chứng khoán cơ sở tại ngày đáo hạn thấp hơn hoặc bằng giá thực hiện chứng quyền mua; giá chứng quyền biến động mạnh theo giá chứng khoán cơ sở và rủi ro lớn nhất là khi các tổ chức phát hành mất khả năng thanh toán.
Tại VNDIRECT, Công ty đã chuẩn bị cho việc phát hành CW như hoàn thiện hồ sơ, lựa chọn mã phát hành, lên phương án phòng ngừa rủi ro để gửi UBCK xem xét. Công ty kỳ vọng, việc phát hành sẽ sớm được thực hiện và giao dịch vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể phụ thuộc vào quyết định của HOSE và chắc chắn ngày ra mắt CW sẽ được chọn sao cho xứng tầm với tiềm năng phát triển sản phẩm mới.
Một số CTCK khác cũng đã xây dựng các phương án kinh doanh để có thể đưa ra niêm yết lần đầu một số sản phẩm chứng quyền. Ông Nguyễn Quang Bảo, Phó tổng giám đốc CTCK Bản Việt (VCSC) cho biết, VCSC đã lên kế hoạch và có sự chuẩn bị nội bộ, hiện Công ty chờ thêm các động thái từ nhà quản lý.
Để sản phẩm mới được đón nhận, bên cạnh các vấn đề về công nghệ, quản trị, nguồn, điều quan trọng là HOSE cũng như các CTCK tiên phong cần dành nguồn lực tư vấn và đào tạo nhà đầu tư, tổ chức các hội thảo để câu chuyện về CW đến được với đại chúng.
Về cơ bản, CW có đặc điểm như một sản phẩm phái sinh, nhưng lại được giao dịch tương tự như cổ phiếu. Đây là điều các nhà đầu tư có thể sẽ rất ưa thích khi sản phẩm mới “chào đời”.