Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Cựu Tổng giám đốc VEAM xin giải tỏa khối tài sản kê biên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bị cáo Lâm Chí Quang cho rằng, ông và các bị cáo khác thực hiện nhiệm vụ công việc được giao, không có động cơ, vụ lợi nên đề nghị giải tỏa căn nhà bị kê biên và 6.000 cổ phiếu bị phong tỏa.

Chiều 19/5, 17 bị cáo nguyên là lãnh đạo của Tổng công ty Máy và Động lực – VEAM tiếp tục trả lời thẩm vấn.

Cáo buộc cho rằng, từ năm 2011 - 2013, bị cáo Vũ Từ Công (Kế toán trưởng VEAM) tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Lâm Chí Quang (Tổng giám đốc VEAM) ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Công ty con là Vetranco vay tổng số 193 tỷ đồng.

Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh với các Công ty cổ phần Đầu tư Minh Quang, Công ty cổ phần Thép Minh Quang, Công ty cổ phần đầu tư Tương Lai và Công ty TNHH đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Đăng.

Tuy nhiên, hiện các công ty này đã dừng hoạt động, không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco. Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng nên VEAM đã bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỷ đồng.

Cơ quan tố tụng cho rằng, bị cáo Lâm Chí Quang, Vũ Từ Công… vi phạm về tỷ lệ bảo lãnh vay vốn quy định tại Khoản 4 Điều 3 Thông tư số 117/2010/TT-BTC ngày 05/8/2010 của Bộ Tài chính và Quy chế Tài chính của VEAM.

Trả lời tại tòa, cựu Tổng giám đốc VEAM Lâm Chí Quang khai nhận, việc ký bảo lãnh cho Vetranco vay vốn ngân hàng là theo đề xuất của phòng kế toán. Thẩm quyền của tổng giám đốc được ký hợp đồng không vượt quá hạn mức 20% nên không phải báo cáo HĐTV.

Bị cáo Quang cũng cho rằng, Vetranco là công ty con của VEAM. Các hoạt động kinh doanh nhằm mang lại lợi ích cho VEAM. Bị cáo cũng mong muốn Vetranco phát triển để mang lại nguồn lợi cho VEAM. Bị cáo khẳng định không được hưởng lợi ích. Vì vậy, đề nghị HĐXX không xem xét vấn đề dân sự. Đồng thời đề nghị giải tỏa khối tài sản gồm 2 căn nhà bị kê biên và 6.000 cổ phiếu FBC bị phong tỏa.

Thiệt hại giảm dần

Quá trình tố tụng, đại diện của VEAM và Vetranco đều cho biết, hai bên thường xuyên đối chiếu công nợ hàng kỳ và hàng năm. Vetranco vẫn đang tiến hành trả nợ cho VEAM và con số hiện tại là 67,6 tỷ đồng. Vetranco không phủ nhận trách nhiệm trả nợ. Tuy nhiên, đại diện Vetranco cho biết, nếu hành vi của các bị cáo gây thiệt hại thì công ty yêu cầu tòa án căn cứ vào quy định pháp luật để thu hồi thiệt hại.

Đại diện VEAM cho biết, VEAM được quyền yêu cầu Vetranco hoàn trả theo hợp đồng bảo lãnh. “Tuy nhiên, trường hợp việc đó ẩn chứa hành vi vi phạm pháp luật khiến VEAM bị thiệt hại thì đề nghị Vetranco và các bị cáo phải bồi hoàn số tiền khoảng 137 tỷ đồng”, đại diện của VEAM nói thêm.

Trong vụ án này, bị cáo Trần Ngọc Hà (cựu Chủ tịch HĐTV) và các đồng phạm còn để xảy ra sai phạm trong dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung khi chưa có quyết định đầu tư nhưng ký hợp đồng mua li-xăng (quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) gây thiệt hại 56 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư dự án phát triển sản phẩm xe ô tô tay lái bên phải không có nghị quyết của HĐTV và ký, thực hiện 2 thỏa thuận VEAM-ZIBO, gây thất thoát 9,9 tỷ đồng.

Luật sư hỏi đại diện VEAM về việc có xác định được thiệt hại từ việc mua 2 sản phẩm này không? VEAM cho hay, đối với 2 sản phẩm này công ty đang quản lý chứ chưa sử dụng. Với li-xăng, Ban điều hành hiện tại đã chào gọi một số đơn vị có yêu cầu và khả năng sử dụng nhưng giá trị li-xăng lớn nên chưa có đối tác nào đồng ý mua.

Trả lời luật sư về việc VEAM có nghị quyết của HĐTV nào về việc ban hành một nghị quyết cụ thể để ra sản phẩm mới không? vị này cho biết, chưa kiểm tra hết hệ thống nghị quyết, song như bị cáo Trần Ngọc Hà thì “không có nghị quyết đó”.

Tin bài liên quan