Cựu Tổng giám đốc Coma 18 (CIG) Lê Huy Lâm lĩnh án 8 năm tù

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chuyển nhượng đất dự án VP6 Linh Đàm cho doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản khi chưa đủ điều kiện, cựu Tổng giám đốc Coma 18 (mã chứng khoán: CIG) Lê Huy Lân vừa nhận hình phạt là 8 năm tù giam.
Các ông Lê Huy Lân (áo xanh), Lê Văn Khương (bên trái) và Nguyễn Xuân Phong tại phiên toà ngày 9/8/2024

Các ông Lê Huy Lân (áo xanh), Lê Văn Khương (bên trái) và Nguyễn Xuân Phong tại phiên toà ngày 9/8/2024

Ngày 9/8, Toà án nhân dân TP. Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm xét xử các bị cáo Lê Huy Lân (SN 1962, cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Coma 18); Nguyễn Xuân Phong (SN 1968, cựu Phó tổng giám đốc) về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí"; bị cáo Lê Văn Khương (SN 1955, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí xây dựng - Coma) về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Sau phần trình bày cáo trạng và xét hỏi ra buổi sáng; buổi chiều, Viện Kiểm sát tiến hành luận tội các bị cáo.

Đại diện Viện Kiểm sát đánh giá, các bị cáo dù biết chưa đủ điều kiện chuyển nhượng, nhưng vẫn tiến hành chuyển nhượng dự án VP6 Linh Đàm (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (công ty thuộc Tập đoàn Mường Thanh của ông Lê Thanh Thản), dẫn đến thất thoát hơn 64 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước.

Về tình tiết giảm nhẹ, Viện Kiểm sát cho hay, các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, có nhiều thành tích trong công tác và gia đình có truyền thống cách mạng.

Từ đó, Cơ quan này đề nghị bị cáo Lê Huy Lân mức án từ 8-10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Cùng tội danh trên, bị cáo Nguyễn Xuân Phong bị đề nghị 5-6 năm tù.

Bị cáo Lê Văn Khương bị đề nghị 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Tại phần bào chữa, các luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét bối cảnh, thời điểm dẫn đến vi phạm; đặc biệt là những khó khăn về tài chính của Coma 18 dẫn đến không thể thực hiện dự án phải chuyển nhượng cho doanh nghiệp tư nhân.

Tất cả các bị cáo không tư lợi, có ý thức chiếm đoạt tài sản. Ngay phía Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên cũng rất muốn nộp tiền sử dụng đất, chứ không có ý định chiếm dụng.

"Trong tổng số tiền hơn 100 tỷ đồng doanh nghiệp này đã nộp, có khoản đã treo gần 10 năm. Đến sáng nay, khi được đại diện Cục thuế Hà Nội giải thích, bản thân tôi là luật sư mới hiểu rõ việc nộp đó là không đúng quy định của ngành thuế", luật sư nói và đề nghị Hội đồng xét xử tháo gỡ cho những khoản tiền bị "treo" đó.

Tại toà, một số luật sư cho rằng, việc để doanh nghiệp xây dựng vượt tầng, vi phạm xây dựng có lỗi của cơ quan chức năng khi không kịp thời phát hiện, ngăn chặn. Điều này là một phần nguyên nhân dẫn đến dự án không được giao quyền sử dụng đất.

Khi được Hội đồng xét xử cho nói lời sau cùng, các bị cáo đều tỏ thái độ ăn năn, gửi lời xin lỗi cơ quan, đơn vị và gia đình, đồng thời mong muốn được giảm án để sớm có cơ hội quay lại tiếp tục làm việc.

Trong đó, bị cáo Lê Văn Khương cho hay, trong suốt quá trình công tác, từng đảm đương nhiều vị trí tại Bộ Xây dựng trước khi về Tổng Công ty Cơ khí xây dựng – Coma.

Bị cáo nói rằng bản thân là người không ngừng phấn đấu, luôn hoàn thành nhiệm vụ và là niềm tự hào của nội ngoại 2 bên. Chỉ vì chút thiếu sót của bản thân đã dẫn đến "cơ sự" hôm nay.

"Nhiều đêm nằm suy nghĩ, bị cáo thấy nếu phạm tội khi còn trẻ còn có cơ hội sửa sai. Chứ ở tuổi này rồi thì không biết làm gì khác", ông Khương nghẹn giọng và cho hay, bản án của ông sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến gia đình, người thân.

Ông Khương cũng xin Hội đồng xét xử giảm án cho 2 bị cáo từng là cấp dưới của mình, đồng thời chia sẻ những khó khăn, áp lực của một công ty có vốn Nhà nước nói chung cũng như bối cảnh vi phạm.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Hội đồng xét xử tiến hành nghị án và tuyên án với các bị cáo vào cuối buổi chiều cùng ngày.

Theo đó, bị cáo Lê Huy Lân bị tuyên 8 năm tù giam; Nguyễn Xuân Phong bị tuyên 5 năm tù, cùng về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Bị cáo Lê Văn Khương bị phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Trước đó, ngày 23/3/2024, Cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Huy Lân để điều tra tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí", quy định tại Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Lê Huy Lân được cho là người đã bàn giao bán đất dự án VP6 Linh Đàm cho Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) do ông Lê Thanh Thản làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Dự án VP6 Linh Đàm được đưa vào sử dụng năm 2015

Dự án VP6 Linh Đàm được đưa vào sử dụng năm 2015

Sau đó, doanh nghiệp này đã xây dựng dự án sai quy hoạch được phê duyệt. Cụ thể, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xây tăng từ 25 tầng lên 37 tầng (từ 138 lên 840 căn hộ, tăng 702 căn) và tăng 630m2 đất xây dựng.

Năm 2015, tòa nhà được đưa vào sử dụng, doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên xuất hóa đơn VAT, thu tiền của khách hàng. Năm 2017, Thanh tra Hà Nội ra kết luận, tạm tính tiền sử dụng đất của dự án VP6 Linh Đàm là hơn 74,8 tỷ đồng.

Đến năm 2023, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ra kết luận giám định cho thấy, hành vi của nhóm lãnh đạo Coma 18 khi giao đất cho doanh nghiệp của ông Lê Thanh Thản đã gây thiệt hại hơn 64,3 tỷ đồng. Số tiền thiệt hại này hiện đã được doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên nộp 64 tỷ đồng, còn lại 300 triệu đồng doanh nghiệp sẽ nộp khi cơ quan điều tra có yêu cầu.

Tin bài liên quan