HĐXX nhận định đây là vụ án rất nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo xâm hại tính đúng đắn hoạt động quản lý của cơ quan nhà nước, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín của quân đội, công an. Hành vi của các bị cáo cần phải xử lý nghiêm.
HĐXX tuyên phạt mức án cụ thể:
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”, SN 1971, cựu thượng tá quân đội, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thái Sơn) bị tuyên phạt 10 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, 2 năm tù vì tội Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức. Tổng hợp hình phạt là 12 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Lâm (SN 1977, TGĐ Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn) bị tuyên phạt 5 năm tù vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Bị cáo Bùi Văn Tiệp (SN 1957, nguyên Sư đoàn trưởng F367, Quân chủng phòng không) bị tuyên phạt 24 tháng tù treo vì tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thời gian thử thách 48 tháng.
Bị cáo Trần Xuân Sơn (SN 1986, nguyên Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương, Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn) bị tuyên phạt 18 tháng tù treo về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thời gian thử thách là 36 tháng, trả tự do tại phiên tòa do đã thi hành xong bản án (thời gian tạm giam bằng mức án).
Bị cáo Phùng Danh Thắm (SN 1965, đại tá, nguyên Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) 24 tháng cải tạo không giam giữ về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý doanh nghiệp đối với bị cáo Hệ là 4 năm, bị cáo Lâm là 3 năm, bị cáo Tiệp là 2, bị cáo Sơn là 3 năm, bị cáo Thắm là 2 năm.
Các bị cáo phải liên đới nộp số tiền 1,4 tỷ đồng. Số tiền hơn 6 tỷ đồng thu lợi từ việc cho thuê xe trái pháp luật, CTCP Thái Sơn B.Q.P đã dùng cho việc kinh doanh, tuyên tịch thu sung công quỹ.
Căn cứ vào tài liệu có trong hồ sơ và kết quả thẩm vấn công khai tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy bị cáo Đinh Ngọc Hệ không thừa nhận hành vi phạm tội, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Nhưng các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi phạm tội, lời khai của người làm chứng cũng phù hợp. Do đó, xác định bị cáo Đinh Ngọc Hệ có hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố là hoàn toàn có căn cứ.
Trước đó, trong phần nói lời sau cùng, các bị cáo đã trình bày hoàn cảnh cá nhân, tình tiết giảm nhẹ và mong HĐXX cân nhắc hình phạt.
Cụ thể, bị cáo Đinh Ngọc Hệ trình bày mẹ bị cáo mới mất, có 2 huân chương kháng chiến, cậu bị cáo là liệt sỹ chống Pháp, hai anh đều là bộ đội tham gia kháng chiến và là thương binh. Gia đình vợ bị cáo đều có huân huy chương. Vợ bị cáo mới sinh, con nhỏ được 3 tháng.
“Bị cáo đã nói sự thật, mọi việc đều báo cáo cấp trên, xin chỉ đạo và sự việc không gây thiệt hại. Riêng việc xăng dầu, bị cáo không biết. Mong HĐXX xem xét” – bị cáo Đinh Ngọc Hệ nói.
Theo cáo buộc, bị cáo Đinh Ngọc Hệ có 3 hành vi vi phạm. Ở hành vi làm khống văn bản hợp đồng thể hiện 20.000 lít xăng không đủ chất lượng tại cửa hàng Thái Sơn (Bình Dương) là của đơn vị quân đội gửi, bị cáo Đinh Ngọc Hệ nhiều lần khẳng định bị cáo không biết việc này, không chỉ đạo gì. Các lời khai về việc bị cáo gọi điện nhờ người này, người kia hoặc chỉ đạo không đúng sự thật.
Về hành vi đăng ký mua xe xin đăng ký biển quân sự, biển xanh để được miễn thuế trước bạ nhưng khi sử dụng đã vi phạm nguyên tắc quản lý thế chấp xe cho các ngân hàng, cho thuê xe, giao xe cho các đối tượng ngoài xa hội mượn. Quá trình tranh luận tại tòa, bị cáo Hệ cho rằng thế chấp xe đã trả tiền đầy đủ không ảnh hưởng tới ngân hàng, Nhà nước. Sau này, khi phải đăng ký lại thì Công ty đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.
Đối với hành vi sử dụng bằng giả, bị cáo Hệ thừa nhận có mua bằng giả nhưng là do sơ xuất, không xem kỹ hồ sơ lý lịch. Bị cáo nói bị cáo đã bị cắt chức.
Khi nói lời sau cùng, bị cáo Trần Văn Lâm (SN 1977, TGĐ Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn) đã khóc và không thể trình bày hết lời sau cùng. Bị cáo khẳng định đã trình bày chân thực tại toà và không biết nói gì hơn, mong Tòa án xem xét hoàn cảnh phạm tội. Bị cáo là người làm công ăn lương, việc không mong muốn nhưng vẫn phải thực hiện theo chỉ đạo. Về hoàn cảnh gia đình, bị cáo bố mẹ già, con nhỏ…
Bị cáo Trần Xuân Sơn (SN 1986, nguyên Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương, Công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn) mong được Tòa án khoan hồng. Bị cáo nêu hoàn cảnh cá nhân con nhỏ, sự việc xảy ra bị cáo đã ăn năn hối cải mong được sự khoan hồng của quý Tòa sớm được về với gia đình.
Lời sau cùng, bị cáo Bùi Văn Tiệp (SN 1957, nguyên Sư đoàn trưởng F367, Quân chủng phòng không) đã nhận thức hành vi vi phạm pháp luật nhưng hành vi không phải cố tình, chỉ là vô tình.
“Tôi đã nghỉ hưu 3 năm, hoàn cảnh gia đình nhiều khó khăn, mong Tòa xem xét lại thời gian vụ án để tôi sớm được trở về cuộc sống bình thường, hồi phục sức khỏe” – bị cáo Tiệp nói.
Bị cáo Phùng Danh Thắm (SN 1965, đại tá, nguyên Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng) cho rằng với cương vị Chủ tịch, Giám đốc, bị cáo đã thực hiện hết trách nhiệm và thấy rất buồn khi để xảy ra việc vi phạm của quân nhân Đinh Ngọc Hệ, bị khởi tố và đưa ra xét xử.
“Đề nghị Tòa xem xét miễn tội vì đây là trách nhiệm điều hành chung của công ty, hành vi phạm tội của quân nhân Đinh Ngọc Hệ không phải là quản lý trực tiếp của tôi” – bị cáo Phùng Danh Thắm nói.
Bị cáo Phùng Danh Thắm bị cáo buộc đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát đối với hoạt động CTCP Thái Sơn B.Q.P, không phát hiện các vi phạm sử dụng xe biển quân sự, biển xanh…