Các bị cáo tại tòa.
TAND TP Hà Nội vừa xử phạt bị cáo Trần Ngọc Hưng (SN 1962, ở quận Tây Hồ, Hà Nội, cựu phó vụ trưởng Ban dân vận Trung ương) mức án chung thân và Nguyễn Thị Bích (SN 1964) 20 năm tù cùng về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, vợ chồng Hưng vay 2 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Thiện để mua nhà tại phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Từ quan hệ vay mượn, hai bên chuyển sang thỏa thuận góp vốn mua nhà.
Cuối tháng 11/2010, vợ chồng Hưng chuyển nhượng phần góp vốn mua căn nhà ở cho ông Thiện với giá 3 tỷ đồng. Sau khi nhận tiền, vợ chồng Hưng không bàn giao giấy tờ theo thỏa thuận, mà bán nhà cho nhiều người khác để chiếm đoạt.
Cuối tháng 4/2011, vợ chồng Hưng vay của anh Nguyễn Quốc Trung hơn 4 tỷ đồng. Theo thỏa thuận hai bên, nếu trong 1 tháng vợ chồng Hưng không có tiền trả thì sẽ chuyển nhượng lại căn nhà ở quận Tây Hồ cho anh Trung.
Hết thời hạn trên, vợ chồng Hưng làm hợp đồng chuyển nhượng căn nhà trên. Lấy lý do cầm sổ đỏ để sang tên đổi chủ nhưng kỳ thực, Hưng tiếp tục mang đi lừa đảo
Cùng thủ đoạn trên, vợ chồng Hưng còn có hành vi chiếm đoạt tiền của những người mua nhà tại phường Tứ Liên (quận Tây Hồ, Hà Nội) và chiếc ô tô nhãn hiệu Huyndai.
Đầu năm 2011, vợ chồng Hưng ký hợp đồng mua bán nhà đất này với bà Nguyễn Thị Dậu giá trị 12 tỷ đồng. Hưng nhận 11 tỷ đồng, số tiền còn lại hai bên thỏa thuận sẽ thanh toán sau khi làm xong thủ tục cấp sổ đỏ hoặc ký hợp đồng tại phòng công chứng. Vợ chồng Hưng cũng cam đoan trong thời gian 3 tháng kể từ ngay nhận tiền chưa làm sổ đỏ phải trả lãi suất 300 triệu đồng/tháng. Sau 6 tháng nếu không làm được sổ đỏ, Hưng sẽ phải trả lại cho bà Dậu 11 tỷ đồng và chịu phạt 4 tỷ đồng, tổng cộng là 15 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau thời hạn 6 tháng, vợ chồng Hưng không làm được sổ đỏ và cũng không trả lại tiền như cam kết.
Cũng với căn nhà này, tháng 8 và tháng 12/2011, vợ chồng Hưng tiếp tục bán và chiếm đoạt tiền của những người khác.
Tổng số tiền hai bị cáo lừa đảo chiếm đoạt của 8 bị hại là hơn 51 tỷ đồng.
Cơ quan tố tụng phân tích, năm 2010 - 2011, trong cơn bão tài chính thị trường bất động sản, bị cáo đã tự đặt vào hoàn cảnh khắc nghiệt, nợ chồng nợ, có tháng nợ lãi gần 100 triệu đồng. Với hoàn cảnh như vậy, bị cáo cần phải có tài sản để thế chấp. Ngoài căn nhà để ở, bị cáo mua căn nhà khác bằng tiền góp vốn, rồi chuyển nhượng với mục đích có tài sản phục vụ các giao dịch khác.