(ĐTCK) Ngày 27/4, PNJ đã tiến hành đại hội đồng cổ đông, thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2017 và bầu HĐQT, Bam kiểm soát nhiệm kỳ mới (2017 - 2022).
Cụ thể, ĐHCĐ PNJ đã thông qua danh sách các thành viên trúng cử HĐQT nhiệm kỳ mới (2017-2022) gồm bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQt PNJ, kiêm Tổng giám đốc Công ty; ông Lê Trí Thông - Phó chủ tịch HĐQT và các thành viên HĐQT là ông Nguyễn Vũ Phan, bà Nguyễn Thị Cúc, bà Phạm Nguyễn Thanh Giang, ông Lê Hữu Hạnh, ông Lê Quang Phúc và bà Phạm Mỹ Hạnh.
Trong đó, ông Lê Trí Thông là người từng có nhiều năm công tác tại DongA Bank với vị trí Phó tổng giám đốc, nhưng ông Thông đã thôi giữ vị trí Phó tổng giám đốc DongA Bank kể từ tháng 2/2014. Sau đó, ông Thông chuyển sang công tác tại Prudential và vừa xin nghỉ công tác tại đây để đảm nhiệm chức vụ mới tại PNJ sau khi trúng cử vị trí Phó chủ tịch HĐQT Công ty PNJ nhiệm kỳ 2017-2022.
Ông Lê Trí Thông sinh năm 1979, tốt nghiệp hạng ưu chương trình MBA tại Đại học Oxford và là kỹ sư công nghệ hóa học. Ông Thông còn là con trai của ông Lê Văn Trí - người từng là Ủy viên HĐQT trị kiêm Phó tổng giám đốc CTCP Công nghiệp cao su miền Nam (CSM).
Kết thúc năm 2016, PNJ đạt tổng doanh thu 8.720 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2015. Riêng doanh thu trang sức bán lẻ tăng 26%. Con số này góp phần đưa lợi nhuận gộp cả năm lên khoảng 1.381 tỷ đồng, tăng 21% so với 2015; lợi nhuận trước thuế đạt 608 tỷ đồng, tăng 220% so với năm trước đó.
Năm 2017, PNJ đặt mục tiêu tổng doanh thu hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó, doanh thu bán lẻ đạt 5.350 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 751 tỷ đồng.
Ông Thông đã trải qua nhiều vị trí quản lý khác nhau tại các tập đoàn quốc tế cũng như các tổ chức và doanh nghiệp tại Việt Nam. Gia nhập DongA Bank vào năm 2008, đến cuối 2012, ông Thông là Phó tổng giám đốc ngân hàng này, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kiều hối Đông Á, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thẻ thông minh ViNa - V.N.B.C.
Ngoài các ứng viên trúng cử HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới của Công ty gồm ông Lê Anh Đức, ông Nguyễn Thành Dư và bà Nguyễn Ngọc Huệ.
Trả lời câu hỏi chất vấn của cổ đông về việc bao giờ bà Cao Thị Ngọc Dung sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho người kế nhiệm, bà Dung cho biết, Công ty đã chuẩn bị cho việc chuyển giao thế hệ từ 5 năm trước. PNJ đã đào tạo ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, nguyên Phó tổng giám đốc PNJ cho vị trí người kế nhiệm, tuy nhiên sau 3 năm ông Nguyễn Tuấn Quỳnh từ chối vị trí vì cảm nhận không phù hợp với ngành nghề sản xuất kinh doanh của PNJ. Ông Quỳnh cũng thôi tư cách thành viên HĐQT PNJ khi hết nhiệm kỳ vừa rồi.
Sau đó, PNJ tiếp tục tìm kiếm và hoạch định ông Lê Hữu Hạnh là người sẽ ngồi vào ghế nóng thay bà Dung. Nhưng một sự cố khác lại xảy ra khi giám đốc xí nghiệp nữ trang bị bệnh và ông Hạnh phải trở lại quản lý điều hành xí nghiệp - giữ vị trí Giám đốc xí nghiệp nữ trang.
HĐQT nhiệm kỳ mới PNJ ra mắt cổ đông
Vì vậy, PNJ cần thêm ít nhất 2 năm nữa để tìm nguồn nhân lực phù hợp cho vị trí Tổng giám đốc, thay thế bà Dung trong thời gian tới đây.
Trước các câu hỏi của cổ đông về khoản đầu tư của PNJ tại DongA Bank khi nào sẽ tính đến chuyện thoái vốn và đã trích lập ra sao, Chủ tịch HĐQT PNJ cho hay, hiện tại PNJ đã trích lập đủ dự phòng khoản đầu tư vào DongA Bank.
Đến thời điểm này cơ quan điều tra đã làm việc và có biên bản xác nhận với PNJ. Câu chuyện của DongA Bank không có thất thoát nhiều như người ta tưởng. Giữa PNJ và DongA Bank vay mượn rất rõ ràng, hiện còn dư nợ vay khoảng 21 tỷ đồng (tài sản thế chấp có giá trị hơn 200 tỷ đồng) là vay dài hạn, nên PNJ muốn trả sớm sẽ bị phạt. PNJ không vay DongA Bank nhiều.
"PNJ không có chuyện mất vốn đầu tư tại DongA Bank vì Ngân hàng Nhà nước không mua lại DongA Bank 0 đồng và giá trị còn lại của Ngân hàng lớn", bà Dung nói và cho biết, việc hoàn nhập dự phòng đã trích cho khoản đầu tư của DongA Bank còn tùy thuộc vào giá thị trường.