Bị cáo Lê Vũ Kỳ khai trước Tòa chiều 22/5 (ảnh chụp qua màn hình)

Bị cáo Lê Vũ Kỳ khai trước Tòa chiều 22/5 (ảnh chụp qua màn hình)

Cựu Phó chủ tịch HĐQT ACB: Anh Kiên dọa cách chức nếu không nghe lời

(ĐTCK) Lời khai của các ông nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB cho thấy, các quyết định của HĐQT, cơ quan theo luật có quyền lực cao nhất của Ngân hàng phải được ông Kiên “gật” mới được ban hành. Nếu không nghe theo, ông Kiên dọa sẽ cách chức.
Chiều 22/5, HĐXX bắt đầu thẩm vấn các bị cáo về hành vi Cố ý làm trái quy định quản lý của Nhà nước về kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Các bị cáo trong nhóm tội này được yêu cầu cách ly.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ xác nhận về vai trò của ông Kiên tại ACB: Dù ông Kiên không phải là thành viên HĐQT, nhưng trong các cuộc họp, ông Kiên có nói "tôi nói thế các anh thích nghe thì nghe". Nhưng ông Kiên cũng nói: "nếu các anh không làm, tôi có thể triệu tập cuộc họp ĐHCĐ bất thường để xem xét trách nhiệm thành viên HĐQT, có hình thức xử lý", nên vô hình phải làm theo ý kiến của anh Kiên.

Bị cáo Lê Vũ Kỳ còn khai: Trước đây làm việc ở FPT và chuyển sang Ngân hàng ACB từ năm 1997, làm Phó tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin. Cuối năm 2008, được bầu vào HĐQT.

Cuộc họp ngày 22/3/2010 (có chủ trương ủy thác cho nhân viên gửi tiền vào các ngân hàng khác), bị cáo là thành viên HĐQT có tham gia. Về thành phần gồm, Hội đồng sáng lập, HĐQT, Ban kiểm soát, Kế Toán trưởng và một số thành viên Ban Tổng giám đốc. Cuộc họp có nhiều nội dung, phương án ủy thác là do ông Lý Xuân Hải (cựu Tổng giám đốc ACB - PV) đề xuất, không ai phản đối.

Gửi tiền vào Vietinbank thì không ai chỉ đạo, mà là do sau này thực hiện. Ông Kiên có uy tín trong ngân hàng, nên ý kiến của ông Kiên rất có trọng lượng, nếu ông Kiên không đồng ý, thì rất khó thông qua.

Bị cáo là cổ đông nhỏ, ông Kiên là cổ đông lớn, có kinh nghiệm. Nghị quyết, về pháp lý thì do HĐQT, nhưng Hội đồng sáng lập rất có uy tín, là những người thành lập Ngân hàng, nên nếu không có lý do xác đáng thì rất khó bác bỏ.

Nghị quyết này giao cho Tổng giám đốc triển khai, trong quá trình  thực hiện, đến 2011, Ban điều hành có xin ý kiến HĐQT có cho gửi tiếp hay không, vì nội dung của Nghị quyết HĐQT không phù hợp với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, có hiệu lực từ 1/1/2011.

Đến 25/3/2011, HĐQT có cuộc họp và có biên bản dừng hoạt động ủy thác cá nhân gửi tiền. Văn bản ban hành ngày 28/3/2011, nội dung là dừng hoạt động ủy thác cá nhân gửi tiền USD.

Ông Kỳ cho rằng, chủ trương vào thời điểm ký là không sai, còn có được tiếp tục thực hiện hay không là trách nhiệm Ban điều hành và Ban Kiểm soát. Theo ông Kỳ, Điều 106 Luật Các TCTD là cho phép thực hiện ủy thác theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). NHNN có Quyết định 742, không hề ngăn cản ủy thác cho cá nhân gửi tiền. Vì vậy, việc ủy thác là không sai. Đến 8/3/2012 mới có Thông tư 04 thay thế Thông tư 742.

HĐXX nhắc nhở bị cáo: Khi Luật có hiệu lực, thì thực hiện Luật hay Thông tư? Giá trị thực hiện Luật phải cao hơn Thông tư hướng dẫn.

Bị cáo Trịnh Kim Quang cũng thừa nhận bị cáo Lý Xuân Hải là người đề xuất chủ trương ủy thác cho các cá nhân gửi tiền.

Ông Quang cũng thừa nhận bầu Kiên từng nói: Tôi tuy không phải thành viên HĐQT, nhưng là cổ đông lớn, nếu anh không làm thì tôi cách chức.

 Bị cáo Trịnh Kim Quang khai trước Tòa chiều 22/5 (ảnh chụp màn hình)

Sau cuộc họp, theo phân công chỉ có Thường trực HĐQT ký, nội dung ngắn gọn, đồng ý ủy thác cho cá nhân gửi tiền, giao cho Tổng GĐ thực hiện. Ông Quang khai, có dừng lại việc ủy thác, sau khi có luật mới, nên phải xem xét lại việc ủy thác. Nhưng báo cáo hoạt động của Ban giám đốc thì chỉ là báo cáo tổng quát, không báo cáo cụ thể về việc ủy thác.

Quyết định 742 là để hướng dẫn theo luật cũ, nhưng kể từ 1/1/2011, khi Luật mới có hiệu lực, thì Ngân hàng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn mà đáng lẽ là đã phải có.

Ông Quang khai tiếp: Việc gửi lãi suất từ 18 - 22%/năm là không vi phạm quy định về trần lãi suất, vì quy định chỉ cấm huy động vượt trần, chứ không cấm gửi tiền vượt trần. Bên huy động là Vietinbank mới là sai, 19 nhân viên của ACB, cũng như hàng triệu người dân đã gửi tiền với lãi suất vượt trần, họ không sai.

Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước chỉ điều chỉnh bên huy động, bên huy động chào mời lãi suất, còn người dân chỉ biết là lãi suất cao thì họ gửi.

Ngân hàng ACB chỉ là đối tượng điều chỉnh nếu ACB là bên huy động.

HĐXX lưu ý bị cáo đã ký ban hành Nghị quyết về ủy thác, sau này cán bộ thực hiện Nghị quyết và không dừng lại. Nên khi sai thì bị cáo phải chịu trách nhiệm.

Tin bài liên quan