Bị cáo Phan Thành Mai

Bị cáo Phan Thành Mai

Cựu lãnh đạo VNCB từ chối trả lời việc huy động vượt trần

(ĐTCK) Ngày 11/8, phiên xử xét các bị cáo gây thất thoát hơn 9.000 tỷ đồng tại Ngân hàng Xây dựng (VNCB) tiếp tục diễn ra. Nội dung chính là phần đặt câu hỏi của các luật sư với nhóm bị cáo, nguyên là lãnh đạo cấp cao của VNCB, về vấn đề huy động lãi suất vượt trần. Tuy nhiên, các cựu lãnh đạo VNCB đã từ chối trả lời.

Trước những câu hỏi của luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho nhóm bà Trần Ngọc Bích) về việc huy động vượt trần lãi suất của VNCB có vi phạm quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), bị cáo Phan Thành Mai, cựu CEO VNCB không trả lời, với lý do đưa ra là ảnh hưởng tới quyền lợi của bị cáo.

Bên cạnh đó, trong các câu hỏi khác của luật sư về nguồn tiền chi, người chi, ghi chép về việc chi lãi ngoài cho khách hàng…, liên quan đến khoản lãi suất chi ngoài cho việc huy động khoản tiền gần 6.000 tỷ đồng của bà Bích, bị cáo Mai cũng cho biết, đã trả lời trong các phiên thẩm vấn trước nên không trả lời lại.

Tương tự, bị cáo Phạm Công Danh cũng không trả lời các câu hỏi của luật sư liên quan đến khoản lãi suất ngoài huy động vượt trần cho nhóm Trần Ngọc Bích. Bị cáo Danh cho rằng, hầu hết câu trả lời đã được đưa ra ở những phiên xét hỏi trước đó và đề nghị luật sư hỏi đúng trọng tâm. Trước đó, theo lời khai của một số bị cáo, tổng số tiền đã chi lãi ngoài cho nhóm bà Bích là 2.500 tỷ đồng, với lãi suất là 2 - 4%/ năm.

Trong các phiên xử trước, cả bị cáo Danh và bị cáo Mai đều cho biết, do áp lực thanh khoản sau thời điểm tiếp nhận TrustBank (tiền thân của VNCB) rất khó khăn nên đã phải chi lãi ngoài để thu hút tiền gửi. Nguồn tiền trả lãi ngoài cho khách hàng là tiền của Tập đoàn Thiên Thanh trả lãi cho VNCB. Tại tòa, bị cáo Phan Thành Mai cho rằng, việc giám sát VNCB của NHNN gây cản trở cho hoạt động bình thường của Ngân hàng. Theo quyết định của NHNN, VNCB chỉ được phép huy động tiền gửi, không được cho vay ra. Tất cả các khoản giao dịch trên 5 tỷ đồng buộc phải thông qua sự phê duyệt của tổ giám sát.

Vì thế, việc chi trả lãi suất, trả tiền cho khách hàng bị kéo dài thời gian, khiến khách hàng mất niềm tin, không gửi tiền vào Ngân hàng nữa. Đồng thời, khi khách hàng gửi tiền, nhưng có nhu cầu vay muốn thế chấp sổ tiết kiệm, VNCB cũng không đáp ứng được bởi đang trong tình trạng bị kiểm soát.

Lãnh đạo VNCB đã nhiều lần đề nghị tổ giám sát và NHNN cho phép cấp tín dụng bằng cầm cố sổ tiết kiệm, vì cho rằng đây là giao dịch an toàn, nhưng đến tháng 4/2014 mới được duyệt. Bị cáo Phan Thành Mai cho rằng, chính những khó khăn trên, cùng với áp lực thanh khoản là nguyên nhân dẫn tới hậu quả ngày hôm nay.

Lời khai của bị cáo Mai và phần đối chất tại tòa giữa các bị cáo thể hiện, hầu hết các khoản lãi vay của khách hàng, khoản chi chăm sóc khách hàng, chi trả lãi ngoài đều lấy tiền từ bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh. Theo bị cáo Mai, do tại thời điểm đó, VNCB đang chịu sự giám sát của NHNN nên không thể rút tiền từ Ngân hàng, chưa kể, hoạt động VNCB vào thời điểm đó mỗi ngày lỗ 6 tỷ đồng nên tất cả các nguồn tiền chi ra đều từ bị cáo Danh và Tập đoàn Thiên Thanh.

Để hợp thức hóa các khoản chi thực tế khác của Ngân hàng mà bị cáo Danh đã chi trước đó, bị cáo buộc phải làm khống, làm giả các hợp đồng để rút tiền từ việc nâng cấp hệ thống Core Banking, thuê trụ sở... Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân, tại cơ quan điều tra, để huy động được khoản 5.190 tỷ đồng tiền gửi của nhóm bà Bích, Phạm Công Danh khai đã phải chi đến 2.500 tỷ đồng lãi suất vượt trần ngoài hợp đồng.

Tin bài liên quan