Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, cựu Tổng giám đốc Ngân hàng SCB tại toà.
Ngày 7/3, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử với phần xét hỏi về hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm liên quan đến các nhóm hành vi.
Trong phiên xét xử sáng nay, Hội đồng xét xử tập trung xét hỏi một số bị cáo là cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB.
Là người trả lời đầu tiên, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB khai, sau khi làm việc tại Ủy ban chiến lược của Ngân hàng SCB được khoảng 6 tháng thì được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc.
Việc được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc là do Hội đồng quản trị Ngân hàng quyết định. Lúc này, bị cáo ít tiếp xúc với bà Trương Mỹ Lan nên không biết việc mình được làm Tổng giám đốc là chỉ đạo của bà Lan. Chỉ sau thời gian dài làm việc tại Ngân hàng SCB thì bị cáo mới biết, bà Lan dù không nắm chức vụ gì chính thức tại Ngân hàng nhưng là người có quyền lực rất lớn.
“Bị cáo chỉ biết những khoản vay đó dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh của bà Lan. Còn việc mình được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Ngân hàng SCB thì sau này mới biết là do bà Lan chỉ đạo”, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai.
Trả lời câu hỏi: “Bị cáo tư duy như thế nào sau khi biết bà Lan bổ nhiệm mình làm Tổng giám đốc. Trong khi đó, bị cáo là người có nhiều kinh nghiệm, kiến thức trong lĩnh vực ngân hàng, doanh nghiệp… nhưng lại được một cá nhân bổ nhiệm”.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai, lúc đó bị cáo biết tình hình tài chính của Ngân hàng SCB sau tái cấu trúc rất phức tạp, cần người có năng lực lên lãnh đạo nên không suy nghĩ gì.
“Ngân hàng SCB huy động tiền của người dân và doanh nghiệp, nhưng khi cho vay thì chỉ cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lên tới 90%, chỉ có 10% còn lại mới cho các đối tượng khác?", Hội đồng xét xử nêu.
Trả lời về nội dung này, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn khai, do tin tưởng vào tài năng của bà Trương Mỹ Lan sẽ phát triển được doanh nghiệp và từ đó đưa Ngân hàng SCB vượt qua giai đoạn khó khăn sau khi tái cấu trúc. Hơn nữa, những tài sản là bất động sản của bà Lan đều có giá trị, bà Lan cũng có kế hoạch và chiến lược phát triển bất động sản dài hạn nên khả năng tăng trưởng là rất lớn.
Bị cáo không được hưởng lợi gì từ việc làm này, mà chỉ tin tưởng rằng bà Lan sẽ giúp Ngân hàng SCB vượt qua giai đoạn khủng hoảng sau tái cấu trúc. Bị cáo làm việc với tư cách người làm thuê, không vụ lợi. Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét vai trò của bị cáo trong vụ án này.
Tương tự, là người được xét hỏi tiếp theo, bị cáo Bùi Anh Dũng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB cũng thừa nhận nội dung cáo trạng truy tố là đúng. Ký hiệu “HSTT” trên hồ sơ của Trương Mỹ Lan là “Hội sở tiếp thị”.
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng, căn cứ vào hồ sơ thì cáo trạng còn liệt kê thiếu hành vi của bị cáo. Không chỉ đối với bị cáo Bùi Anh Dũng mà còn đối với nhiều bị cáo khác. Về vấn đề này, HĐXX sẽ làm rõ sau.
“Bị cáo giải thích thế nào về việc được bà Lan cho 20 tỷ đồng và 500.000 cổ phiếu”, HĐXX hỏi.
“Bị cáo nghĩ rằng đây chỉ là việc chủ thưởng cho nhân viên khi làm tốt công việc được giao”, bị cáo Bùi Anh Dũng trả lời.
Tiếp tục phần xét hỏi, bị cáo Trương Thị Mỹ Dung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB khai, ký hiệu “HSTT” đã có từ lâu, bị cáo không biết từ đâu mà có. Mỗi lần bà Trương Mỹ Lan cần tiền thì sẽ thông báo. Theo chỉ đạo của bà Lan, bị cáo sẽ làm việc với các lãnh đạo có liên quan đến việc cấp tín dụng tại Ngân hàng SCB để hỏi và làm việc. Nội dung chủ yếu là biết bà Lan cần tiền và bao nhiêu, thời gian bao lâu… sau đó bị cáo thực hiện giải ngân.
Theo bị cáo Dung, dù bản thân là Phó tổng giám đốc tại Ngân hàng SCB nhưng bị cáo cũng chỉ là người đi làm thuê, là công cụ của bà Trương Mỹ Lan. Đến nay, bị cáo rất ân hận và chấp nhận đối diện với tất cả những việc mình đã làm.
“Dù bị cáo không bị yêu cầu khắc phục hậu quả nhưng bị cáo cũng xin tự nộp 1 tỷ đồng, mong hội đồng xét xử xem xét”, bị cáo Dung nói.