Cựu lãnh đạo Ngân hàng SCB thất vọng với bà Trương Mỹ Lan, hy vọng bà Lan 'sai thì nhận, không đổ lỗi'

0:00 / 0:00
0:00
Khi được yêu cầu đánh giá lời khai của bà Trương Mỹ Lan, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung nghẹn ngào, bật khóc và hy vọng bà Lan sai thì nhận, không đổ cho bất kỳ ai.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB tại toà. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB tại toà. (Ảnh: Hoàng Hùng)

Chiều 11/3, phiên tòa xét xử “đại án” liên quan đến Tập đoàn Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi các bị cáo của đại diện Viện Kiểm sát.

Trả lời trước Hội đồng xét xử, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung, nguyên Phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB khai, bà Trương Mỹ Lan nhiều lần yêu cầu bị cáo đến tầng 39, tòa nhà Time Square để gặp. Thông thường, mỗi lần đi gặp thường đi chung với Trương Khánh Hoàng (nguyên Quyền Tổng giám đốc Ngân hàng SCB) và Trương Huệ Vân (cháu bà Lan).

Nội dung cuộc gặp là để bà Lan nói về nhu cầu cần tiền của mình và đưa tài sản đảm bảo để thực hiện việc vay tiền tại Ngân hàng SCB. Đồng thời, cũng đề cập đến những khoản chi tiêu của bà Lan, sau khi tiền được giải ngân ra thì dùng để làm gì.

“Sau khi các anh chị cung cấp thì bên Ngân hàng SCB sẽ làm hồ sơ vay theo chỉ đạo của chị Lan”, bị cáo Dung nói và cho biết thêm, không tham gia vào việc lập Công ty “ma” và tìm người để đứng tên cho các khoản vay của bà Lan.

Đại diện Viện kiểm sát đặt câu hỏi, tại phiên tòa, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng, các bị cáo tại Ngân hàng SCB tự tạo lập các khoản vay và mượn tài sản đảm bảo của Trương Mỹ Lan. “Bị cáo thấy có đúng hay không?”, đại diện VKS hỏi.

Trả lời câu hỏi này, bị cáo Dung nghẹn ngào, bật khóc và trình bày rằng, bản thân vào làm việc tại Ngân hàng SCB từ năm 2010, trải qua rất nhiều thời kỳ. Sau khi vụ việc này xảy ra, gặp lại các đồng nghiệp của mình tại toà, ai cũng tiều tuỵ… bị cáo rất đau lòng. Và điều khiến bị cáo đau lòng hơn là sáng nay nghe bà Lan trình bày.

Theo bị cáo Dung, lúc mới gặp thì rất thần tượng bà Lan và làm việc tại Ngân hàng SCB với tinh thần là trung thành tuyệt đối, không nghi ngờ. Thậm chí, bà Lan sai gì thì bị cáo sẽ làm việc đó. Tuy nhiên, sáng nay khi nghe bà Lan phát biểu như vậy, bị cáo cũng không trách gì mà chỉ trách bản thân mình đặt niềm tin sai.

Ngay thời điểm làm việc với bà Lan, không phải chỉ riêng bị cáo mà tất cả các anh em tại SCB đều làm việc với niềm tin tuyệt đối với bà Lan, không nghi ngờ.

“Khi đi họp về, anh Bùi Anh Dũng lúc nào cũng nói với bị cáo là anh đã theo chị Lan mười mấy năm rồi. Anh tin tuyệt đối chị Lan. Anh em mình cùng làm để giúp chị vượt qua khó khăn. Anh Võ Tấn Hoàng Văn cũng có nói với bị cáo một câu là anh em mình không có tài giỏi để làm chủ thì phải lựa người chủ tốt mà theo”, bị cáo Dung nói.

Bị cáo này cho biết thêm, lúc mà vụ việc xảy ra và ngay tại phiên tòa này thì bị cáo sẽ đối diện với tất cả những gì mình làm. Sai thì nhận, không đùn đẩy, không đổ lỗi cho bất kể ai. Bây giờ bị cáo cũng hy vọng bà Lan cũng như thế. Tuy nhiên, phần trình bày của bà Lan trong buổi sáng nay đã làm bị cáo thất vọng.

Trước đó, bị cáo Trương Khánh Hoàng, (cựu quyền tổng giám đốc Ngân hàng SCB) khẳng định bà Trương Mỹ Lan là chủ thực sự và là người điều hành mọi hoạt động của SCB.

Bị cáo Hoàng dẫn chứng khi bà Lan bổ nhiệm bị cáo làm Phó tổng giám đốc SCB vào năm 2019, bà Lan đã yêu cầu bị cáo gặp Võ Tấn Hoàng Văn là Tổng giám đốc và Đinh Văn Thành là Chủ tịch để thực hiện.

Sau đó bà Lan cũng triệu tập bị cáo đến các cuộc họp quan trọng của ban lãnh đạo SCB để rà soát lại các hồ sơ tín dụng thời điểm ngân hàng bị thanh tra. Ngoài bà Lan, theo bị cáo Hoàng thì Trương Huệ Vân cũng gọi điện thoại trực tiếp cho bị cáo Hoàng để truyền đạt ý kiến chỉ đạo của bà Lan.

“Thời điểm bị cáo đảm nhiệm chức phó tổng giám đốc phụ trách phê duyệt tín dụng, bị cáo nhận chỉ đạo trực tiếp từ chị Lan các khoản cần giải ngân để phục vụ cho nhiều mục đích. Khi lập hồ sơ thì bị cáo làm việc với anh Nguyễn Phương Anh, khi giải ngân thì nhóm bên anh Nguyễn Phương Anh thực hiện giải quỹ, sau khi giải ngân thì việc sử dụng tiền sẽ do chị Lan chỉ đạo”, bị cáo Hoàng khai.

Hình ảnh phiên tòa

Hình ảnh phiên tòa

Đối với việc thành lập công ty "ma" thì bị cáo Hoàng trả lời phía ngân hàng bị động do nhóm Vạn Thịnh Phát thực hiện. Phần lớn các tài sản đảm bảo cho các khoản vay đều do phía Vạn Thịnh Phát giao qua ngân hàng, nên ngân hàng sẽ cùng làm phương án vay.

Về mục đích sử dụng tiền vay của bà Lan, bị cáo Hoàng khai bà Lan thường họp hoặc gọi điện thoại trao đổi với bị cáo, rồi yêu cầu bị cáo giao tiền mặt cho anh Bùi Văn Dũng (tài xế bà Lan) hoặc thanh toán một số dự án như dự án 202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thanh toán dự án Tuần Châu, dự án khu đô thị Thành Phát ở Long An.

“Tại một biên bản hỏi cung, bị cáo khai Trương Mỹ Lan có những cách thức chuyển tiền ra nước ngoài, bị cáo có nhớ lời khai này không?”, đại diện viện kiểm sát hỏi.

Bị cáo Hoàng thừa nhận lời khai này và cho biết, trong vai trò là phó tổng giám đốc, bị cáo có phê duyệt một số lệnh chuyển tiền ra nước ngoài theo yêu cầu bên nhóm của chị Lan. Các lệnh chuyển tiền là thanh toán việc mua vốn góp của công ty nước ngoài ở Việt Nam; thanh toán cho các khoản tín dụng khi chị Lan đi nước ngoài.

“Việc chuyển tiền đi nước ngoài bị cáo không được họp bàn, mà chỉ làm theo yêu cầu”, bị cáo Hoàng khai.

Tin bài liên quan