Hội thảo trực tuyến từ đầu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Chiều 6/7, tại Trung tâm Điều hành Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã diễn ra Hội thảo trực tuyến “Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 và hàm ý chính sách cho Việt Nam”.
Chia sẻ về công tác ứng phó với dịch bệnh cũng như khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội hậu Covid-19 của các quốc giam Giáo sư Philippe Aghion bày tỏ, ông rất ngưỡng mộ Việt Nam, đặc biệt là trong công tác chống dịch Covid-19 thời gian qua.
Nói về tái định vị nguồn lực lao động và hoạt động sản xuất, Giáo sư cho biết, Pháp và một số quốc gia khác đang tiến vào mảng kỹ thuật số, mở rộng hoạt động sáng tạo. Trong khi đó tại Đức, quốc gia này đã phục hồi nhiều mặt hàng xuất khẩu trong bối cảnh dịch bệnh và tiến hành các hoạt động sáng tạo với các đối tác. “Chúng ta sẽ phải thúc đẩy óc sáng tạo của mình để có kịch bản tích cực hơn”, ông nói.
Theo Giáo sư, dịch bệnh đã bộc lộ việc một số quốc gia vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô, trong khi một số quốc gia khác đang “đánh cược” vào công nghệ sáng tạo. Ông cho rằng, cần phải có chính sách linh hoạt, đào tạo không chỉ một nghề mà cải thiện cách học để người lao động có thể làm được nhiều nghề khác nhau, có khả năng thích ứng với tình huống mới.
Trước câu hỏi của TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo KT-XH Quốc gia (Bộ KH&ĐT) về xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc và cơ hội cho Việt Nam, Giáo sư cho rằng, hoạt động thương mại toàn cầu phải tuân thủ theo luật lệ quốc tế và không thể nào dựa vào tài trợ của Chính phủ để bán phá giá, dẫn tới ảnh hưởng đối với xã hội và môi trường.
“Việt Nam đã tránh điều này và đây là cấu trúc rất tốt. Đồng thời, cần nhìn lại các hoạt động sáng tạo của mình, tham gia và mở rộng nhiều hơn”, ông nói.
Để nâng cao vị thế quốc gia gắn với chuyển đổi nền kinh tế sau dịch, Giáo sư cho rằng, mấu chốt nằm ở hệ thống giáo dục. Ông đánh giá, Việt Nam có hệ thống giáo dục tốt, nhưng cần có thêm những chính sách ưu đãi của Chính phủ cho các trường đại học, cho phép tự do về học thuật. “Đây là điều quan trọng, tạo ra các hoạt động sáng tạo để thay đổi mọi thứ. Nền kinh tế tri thức cũng rất quan trọng, nền kinh tế cũng như giới học thuật có trình độ là yếu tố mấu chốt để Việt Nam trở thành quốc gia cởi mở, đón chào các nhà đầu tư với các trường đại học tốt nhất”, Giáo sư nhận định.
Giáo sư Philippe Aghion cũng cho rằng, không nên quá quan ngại về tỷ lệ nợ/GDP. Theo Giáo sư, tỷ lệ này liên quan đến tỷ lệ tăng trưởng, khi tỷ lệ lãi suất thấp thì có thể tăng tỷ lệ nợ công, các quốc gia khác cũng đang làm như vậy. “Nhưng vấn đề chúng ta phải tăng mức cung và cầu lên, phải tăng nợ công lên vì Việt Nam đã có tỷ lệ tăng trưởng rất tuyệt vời, có được khả năng nợ/GDP tốt”, ông nói.
Làm rõ hơn về vấn đề tổng cầu trong bối cảnh tác động của dịch bệnh, Giáo sư cho rằng, đây là câu chuyện khó, quan trọng là đối với ngành tích cực thì cần có chính sách hỗ trợ, hoạch định cụ thể, hướng vào tính sáng tạo. Song song với đó, phải đào tạo, giúp doanh nghiệp khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp một cách dễ dàng; đảm bảo người lao động được đào tạo lại, tham gia loại hình kinh doanh mới; tạo điều kiện thuận lợi để thị trường quyết định về giáo dục, đào tạo…
Ông khuyến nghị cần thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, cải thiện cơ sở hạ tầng thông qua đầu tư, cải thiện dịch vụ công, tận dụng các hiệp định đã được ký kết, nhất là khi Việt Nam đã có vị trí tiên phong về công nghệ và các chính sách tại khu vực Đông Nam Á để có tăng trưởng cao hơn.
Trước cơ hội tham gia Mạng lưới kinh tế thịnh vượng gồm 7 quốc gia trong đó có Việt Nam, nhằm tìm ra cách khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và tài cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, Giáo sư Philippe Aghion ủng hộ sáng kiến này và cho rằng, Việt Nam sẽ có vai trò quan trọng, thậm chí dẫn đầu. Việt Nam đang thể hiện vai trò dẫn dắt ở khu vực, và liên kết, kết nối giúp các quốc gia cùng nhau tiến bộ, phát triển hơn, ông nói.
Giáo sư Philippe Aghion đến từ Đại học Harvard. Ông là nhà kinh tế nổi tiếng chuyên nghiên cứu vấn đề Tăng trưởng kinh tế, Kinh tế lượng, Kinh tế học vĩ mô. Giáo sư xuất bản cuốn sách nổi tiếng Kinh tế học Tăng trưởng (Economics of Growth) thu hút sự quan tâm và thảo luận của giới kinh tế toàn cầu. Hiện ông có vai trong Ban cố vấn cho Tổng thống Pháp.