Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2012, Hồng quen biết ông Hà Trần Lập và đề nghị góp vốn hợp tác để thực hiện hợp đồng xuất khẩu đồng sang Nga.
Hồng nói Công ty Khoáng sản luyện kim Hà Nội sẽ mua đồng của Công ty TNHH Đầu tư khai khoáng và thương mại Thủ đô do Phan Minh Đức làm Giám đốc. Sau khi kinh doanh sẽ chia lợi nhuận cho ông Lập.
Thống nhất phương án trên, Công ty Khoáng sản luyện kim Hà Nội ký hợp đồng liên doanh với CTCP Đầu tư Hồ Trần Việt Nam (do con trai ông Lập làm Giám đốc). Để tạo niềm tin cho đối tác, Hồng đã làm các hợp đồng giả mạo gồm bản nháp hợp đồng mua bán sản phẩm đồng giữa Công ty Khoáng sản luyện kim Hà Nội với Công ty Vilcan - Sigma LLC Company (Nga) do ông Alexander Lazarenko làm đại diện, số lượng 2.300 tấn (trị giá 20,7 triệu USD) và bản nháp tín dụng thư bảo lãnh của Ngân hàng Sberbank.
Sau khi tạo lập các hợp đồng trên, Hồng gặp Phan Minh Đức để trao đổi. Đức thắc mắc: “Vì sao Công ty Khoáng sản luyện kim Hà Nội không đứng ra trực tiếp giao dịch với Tổng công ty Khoáng sản - Vinacomin”, thì Hồng nói “công ty đã có một số giao dịch trên thị trường không thuận lợi, để lại tiếng xấu”. Sau đó, Hồng soạn thảo hợp đồng mua bán với Công ty Thủ đô.
Mặc dù Công ty Thủ đô không mua bán với Vinacomin, nhưng thông qua một cán bộ kinh doanh, Đức biết Vinacomin đang có khoảng 3.500 tấn đồng tấm và đồng dây ở kho Yên Viên (Hà Nội) và kho ở Lào Cai. Đức đưa Hồng đến xem kho hàng. Hai bên đã ký hợp đồng mua bán trị giá hơn 400 tỷ đồng.
Sau khi biết địa điểm kho hàng, Hồng đưa ông Lập đến để cho ông Lập tin tưởng có hàng thật. Tin tưởng, ông Lập đã “cắm” sổ đỏ căn nhà của em trai cho Hồng. Hồng đã thế chấp căn hộ này và một căn hộ khác để vay Ngân hàng BIDV số tiền 8 tỷ đồng. Số tiền trên được giải ngân vào tài khoản của Công ty Thủ đô. Sau đó Đức đã chuyển lại cho Hồng.
Do tin tưởng Hồng tiếp tục mua hàng, Đức đã làm công văn gửi Vinacomin đề nghị ký hợp đồng mua 3.000 tấn đồng. Nhưng quá thời gian không thấy Hồng đưa tiền, Đức hỏi thì Hồng nói đối tác Nga không chuyển tiền. Hai bên đã ký biên bản thanh lý hợp đồng trên.
Đối với hợp đồng vay vốn, Hồng không có khả năng trả nợ. Năm 2016, gia đình ông Lập đã làm đơn tố cáo hành vi của Hồng. Gia đình ông đã nộp tiền vào ngân hàng để lấy lại căn nhà.
Bị cáo khai nhận không có ý định chiếm đoạt tiền, mà do tin tưởng đối tác Nga. Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 20 năm tù. Không đồng tình bản án trên, bị cáo Hồng kháng cáo bản án trên đề nghị giảm án.
HĐXX cấp phúc thẩm xem xét, nhận thấy bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả cho bị hại. Bị hại cũng có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo. Do có tình tiết mới, nên tòa án đã quyết định giảm án cho bị cáo từ 20 năm tù xuống còn 7 năm tù.
Trong vụ án này, Phan Minh Đức có hành vi ký hợp đồng khi Công ty Thủ đô không có hàng hóa dẫn đến việc Hồng sử dụng hợp đồng để lừa đảo tiền của ông Lập.
Mặc dù không đủ căn cứ xác định Đức tiếp nhận mục đích của Hồng, song Đức biết việc ký hợp đồng khống là sai và vẫn tiếp tay cho Hồng. Hành vi của Đức có dấu hiệu giúp sức cho Hồng. Tòa án Hà Nội đã trả hồ sơ để xem xét nhưng VKSND Tối cao giữ nguyên quan điểm không xem xét xử lý hình sự.