Cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức lĩnh 21 năm tù, bồi thường 102 tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, bị TAND TP.HCM tuyên phạt 21 năm tù về tội tham ô tài sản và rửa tiền, buộc phải bồi thường 102 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Minh Quân, cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, bị TAND TP.HCM tuyên phạt 21 năm tù.

Ông Nguyễn Minh Quân, cựu giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, bị TAND TP.HCM tuyên phạt 21 năm tù.

Cựu giám đốc kêu oan

Ngày 1/12, Tòa án nhân dân (TAND) TP.HCM đã tuyên án sơ thẩm vụ án “tham ô tài sản”, “rửa tiền”, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện TP.Thủ Đức.

Theo đó, ông Nguyễn Minh Quân, cựu Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức, bị Tòa tuyên phạt 16 năm tù về tội Tham ô tài sản; 5 năm tù về tội Rửa tiền; tổng hợp hình phạt là 21 năm. HĐXX xác định toàn bộ số tiền tham ô đều do Quân chiếm hưởng, nên buộc phải bồi thường 102 tỷ đồng.

Trong phần xét hỏi trước đó, bị cáo Quân cho rằng, nội dung cáo trạng không đúng với sự thật khách quan hành vi của mình. Các công ty tham gia đấu thầu bán thiết bị y tế cho bệnh viện không phải là công ty “sân sau” do bị cáo thành lập.

Theo bị cáo Quân, khi vụ án xảy ra thì bị cáo không biết gì cả. “Không phải bị cáo không thành khẩn, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới mà là bị cáo không biết chuyện gì đã xảy ra”, ông Quân nói và phân trần thêm, chỉ khi ra tòa gặp lại các nhân viên, hỏi họ về vụ án thì ông mới hiểu mọi chuyện.

Khai trước tòa, ông Quân cho biết, trước khi xảy ra vụ án, bệnh viện bị thanh tra về các gói thầu. Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra tới thì hồ sơ mất hết không rõ lý do, nên ông đã chỉ đạo cấp dưới làm hồ sơ 28 gói thầu, ký lùi ngày để đối phó.

Lúc đó, hai phó giám đốc là Nguyễn Thị Ngọc và Nguyễn Lan Anh cũng không biết chuyện gì xảy ra, chỉ biết hoàn thiện hồ sơ. "Sau khi đoàn thanh tra làm việc xong bị cáo mới biết xảy ra nhiều sai phạm trong đấu thầu nên đã thuê hai công ty tư vấn rà soát lại các hồ sơ", ông Quân trình bày.

Song, bản án xác định, từ năm 2016 đến năm 2020, Bệnh viện Thủ Đức đã tổ chức đấu thầu 31 gói mua sắm trang thiết bị y tế, phục vụ khám chữa bệnh. Trong đó có 28 gói đã phê duyệt kết quả trúng thầu hoàn thiện việc thanh toán với tổng giá trị hơn 346 tỷ đồng.

Để can thiệp thâu tóm toàn bộ các gói thầu này, Quân đã chỉ đạo Nguyễn Văn Lợi - Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm (được Quân thuê để làm đại diện Công ty) thành lập 4 công ty sân sau thuê và nhờ người thân đứng tên.

Thực hiện chỉ đạo của Quân, Lợi giao cho nhân viên lập các hợp đồng mua bán khống, lòng vòng giữa các công ty để nâng giá thiết bị máy móc cao hơn 30%-50% giá thị trường.

Quân sau đó chỉ đạo Lợi sử dụng 3 công ty để nộp hồ sơ dự thầu với giá máy móc thiết bị đã được nâng khống. Lợi chỉ đạo Nghĩa cố tình làm một hồ sơ có tiêu chí tốt hơn 2 hồ sơ còn lại, mục đích để một công ty trúng thầu.

Tại bệnh viện, ông Quân hàng năm đều ký các quyết định thành lập các tổ để thực hiện việc mua sắm, dự toán, đấu thầu, ký hợp đồng... rồi giao cho cấp dưới làm thủ tục theo quy định. Tuy nhiên, thực tế các tổ đấu thầu không hoạt động theo quyết định được phân công, chỉ ký hoàn thiện, hợp thức hồ sơ.

Mặc dù biết các công ty tham gia đấu thầu là đơn vị sân sau của Quân nhưng Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Lan Anh (hai Phó giám đốc Bệnh viện Thủ Đức) cùng các nhân viên vẫn lập hồ sơ, thực hiện theo chỉ đạo khiến thất thoát tài sản Nhà nước.

Các bị cáo tại tòa

Các bị cáo tại tòa

Theo tòa, hành vi trái pháp luật của các cán bộ Bệnh viện Thủ Đức đã tạo điều kiện cho các công ty của Quân trúng thầu 27/28 gói với tổng giá trị hơn 345 tỷ đồng; chiếm đoạt 102 tỷ đồng từ việc nâng khống giá thiết bị y tế.

Quân đã lợi dụng vị trí người đứng đầu bệnh viện để chỉ đạo, gây sức ép với nhân viên dưới quyền, thành viên các tổ chấm thầu ký hợp thức hóa hồ sơ thầu, thông thầu, gian lận trong đấu thầu, không đảm bảo minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

Hơn nữa, Quân là giám đốc bệnh viện, chủ tài khoản, quyết định việc chi tiền nhưng đã lợi dụng chức vụ để chiếm hưởng, nên có đủ căn cứ xác định bị cáo phạm tội Tham ô.

Để che giấu tiền chiếm đoạt, Quân chỉ đạo Lợi rút tiền mặt hoặc chuyển tiền vào các tài khoản cho mình và vợ để mua bất động sản, ôtô sang… đủ yếu tố cấu thành tội rửa tiền.

Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa cũng nhận định, trong vụ án này bị cáo Quân là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo toàn bộ hành vi phạm tội nên cần xử lý nghiêm. Bị cáo Lợi là người giúp sức tích cực cho Quân trong việc Tham ô tài sản và Rửa tiền.

Từ đó, VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Quân mức án 16-17 năm tù về tội Tham ô tài sản; 5-6 năm tù về tội Rửa tiền; tổng hợp hình phạt 21-23 năm tù.

Đồng phạm “cúi đầu” nhận tội

Trái ngược với ông Quân, ông Nguyễn Văn Lợi khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố.

Bị cáo cho biết, quen ông Quân nhiều năm trước do ông này thường tới tiệm rửa xe của mình. Sau đó, Lợi được Quân đưa về làm việc cho Công ty Ngọc Đạo và giao quản lý 4 công ty, nhận lương 40 triệu đồng một tháng. Theo chỉ đạo của Quân, việc thành lập các công ty nhằm để mua bán thiết bị, vật tư y tế vào Bệnh viện TP.Thủ Đức.

Lợi đã tìm mua nguồn hàng ở nhiều nơi, sau đó ký các hợp đồng mua bán lòng vòng để nâng khống giá lên 30-50% rồi đưa vào Bệnh viện Thủ Đức. Ngoài việc nâng giá thiết bị vật tư, Quân kêu Lợi sử dụng pháp nhân 3 trong 4 công ty để làm thủ tục dự thầu.

Sau khi chiếm đoạt được tiền của bệnh viện từ việc đấu thầu bán thiết bị, theo chỉ đạo của Quân, Lợi đứng ra mua cho ông này một biệt thự ở Nha Trang, một biệt thự tại quận 1 và khu đất tại TP.Thủ Đức cùng hai ôtô hạng sang.

Trả lời thẩm vấn của tòa, các bị cáo khác cũng thừa nhận hành vi sai phạm như cáo trạng truy tố.

Theo đó, với vai trò đồng phạm, Nguyễn Văn Lợi, Giám đốc Công ty Nguyễn Tâm, bị tuyên phạt tổng cộng 15 năm tù.

Nguyễn Thị Ngọc Diễm (vợ ông Quân) bị tuyên 3 năm tù, cho hưởng án treo, về tội Rửa tiền. Các bị cáo còn lại là cựu cán bộ Bệnh viện Thủ Đức lĩnh từ 2 năm 6 tháng đến 3 năm 6 tháng về tội Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Tin bài liên quan