TS. Cao Sỹ Kiêm

TS. Cao Sỹ Kiêm

“Cứu doanh nghiệp phải như cứu hỏa”!

(ĐTCK) “Nhiều DN đang bị suy kiệt khả năng hoạt động, đứng trước bờ vực phá sản hàng loạt, nhưng các biện pháp giải cứu mới chỉ dừng lại trên giấy do các bộ, ngành còn đang loay hoay họp bàn. DN ‘chết’ rồi mới đưa ra biện pháp giải cứu thì ích gì…”.

TS. Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, bày tỏ sự sốt ruột khi trao đổi với ĐTCK.

Theo ông, vì sao đang có sự chậm trễ trong việc đưa ra các biện pháp giải cứu DN?

Điều này được lý giải là do hiện có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau khi đưa ra đánh giá nền kinh tế đã rơi vào tình trạng giảm phát hay chưa, dẫn đến có nhiều quan điểm khác nhau về việc nên hay chưa nên đưa ra các biện pháp mạnh hỗ trợ DN. Thực tế, nền kinh tế đã rơi vào suy kiệt. Điều này thể hiện rõ nhất qua lượng hàng tồn kho tăng, DN đình đốn, phá sản hàng loạt; sức mua của người dân sụt giảm nghiêm trọng…

Qua thực tế tiếp xúc với các DN cho thấy, họ đang quá khốn khó, số lượng DN đã và sắp “chết” đang tăng lên đáng báo động. Sự suy kiệt của nền kinh tế còn được thể hiện qua khả năng DN đóng thuế cho ngân sách sụt giảm từ đầu năm đến nay. Công bố của Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, tổng thu NSNN đạt 46,7% dự toán năm, giảm 1,7% so với cùng kỳ. Hết tháng 6/2012, có tới 120.000 lượt DN làm thủ tục gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng tháng 4 - 5/2012 theo Nghị quyết 13/NQ-CP, với tổng số tiền thuế gia hạn khoảng 5.500 tỷ đồng, trong đó phần lớn là DN nhỏ và vừa. Điều này cho thấy, việc giải cứu DN là không thể chậm trễ thêm, nếu không muốn nền kinh tế phải trả giá đắt.

 

Trong Đề án tháo gỡ khó khăn cho DN mà Bộ Công thương đang xây dựng, đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ áp dụng chung cho DN thuộc các ngành nghề khác nhau, trong khi khó khăn của các DN là không giống nhau. Để đảm bảo tính khả thi cho Đề án, theo ông, có nên hình thành các tiểu đề án hỗ trợ DN thuộc các lĩnh vực khác nhau?

Đúng là các giải pháp hỗ trợ DN hiện rất chung chung, nên khó triển khai trên thực tế. Để Đề án có tính khả thi, Bộ Công thương nên phối hợp với các hiệp hội ngành nghề điều tra, khảo sát kỹ lưỡng mức độ khó khăn mà DN thuộc các ngành hàng khác nhau như: vật liệu xây dựng, thực phẩm, may mặc, da giày… đang gặp phải, để đưa ra các biện pháp hỗ trợ chi tiết, khả thi. Nếu không xây dựng được các tiểu đề án, thì trong Đề án mà Bộ Công thương đang xây dựng, nên phân nhóm chi tiết đến từng khối DN thuộc các ngành nghề khác nhau, để đưa ra các biện pháp hỗ trợ cụ thể về lãi suất, thị trường tiêu thụ, giảm thuế và phí…

 

NHNN đã yêu cầu đưa trần lãi suất cho vay về 15%/năm và cam kết ổn định trong ít nhất một năm, nhưng thực tế, DN vẫn rất khó tiếp cận vốn giá rẻ. Điều này có nghĩa là giải pháp hạ lãi suất chưa phát huy tác dụng hỗ trợ DN, thưa ông?

Đúng vậy và nguyên nhân của tình trạng này là do, cũng giống như các biện pháp hỗ trợ khác, việc giảm lãi suất hiện tại mang tính cào bằng, chung chung, nên chưa hỗ trợ thiết thực cho DN. Để khắc phục tình trạng này, cần khảo sát, đánh giá chi tiết thực tế khó khăn của DN, để đưa ra hướng tháo gỡ. Với những DN đang nợ ngân hàng quá hạn, thì ngay cả khi lãi suất cho vay về 9 - 10%/năm, cũng chẳng ích gì với họ, nếu không cho họ giãn nợ, đảo nợ, để khôi phục sản xuất. Tùy mức độ khó khăn thực tế của DN thuộc các ngành nghề khác nhau, mà NHNN cần đưa ra các quy định cụ thể, để chỉ đạo các NHTM áp dụng tỷ lệ giãn nợ, khoanh nợ khác nhau. Nếu chỉ nói chung chung là đưa lãi suất cho vay về 15%/năm và ổn định trong một năm, mà không triển khai có trọng tâm, trọng điểm việc khoanh và giãn nợ, đồng thời không có biện pháp xử lý mạnh tay những ngân hàng không chấp hành trần lãi suất cho vay 15%/năm, thì các DN sẽ vẫn khó tiếp cận vốn.

“Cứu doanh nghiệp phải như cứu hỏa”! ảnh 1Việc giảm lãi suất chỉ thiết thực hỗ trợ DN khi sức mua của thị trường được cải thiện

 

Nhưng nếu khó khăn về tiêu thụ hàng hóa không được giải quyết, thì ngay cả khi tín dụng được khơi thông cũng chẳng ích gì với DN, thưa ông?

Đúng là như vậy, nên Bộ Công thương cần bổ sung những giải pháp phải vừa tổng thể, có tính liên quan, hỗ trợ chặt chẽ với nhau, vừa chi tiết vào Đề án tháo gỡ khó khăn cho DN. Việc giảm lãi suất chỉ thiết thực hỗ trợ DN khi sức mua của thị trường được cải thiện, qua đó giúp họ giải phóng hàng tồn kho. Để giúp DN giảm lượng hàng tồn kho, không thể triển khai các giải pháp kích cầu như năm 2009 là hỗ trợ tiền cho người dân để tăng sức mua. Điều này là do lương vừa tăng, nên không thể kích cầu thông qua tăng lương. Hơn nữa, tăng lương sẽ khiến DN đang khó khăn lại càng khốn đốn hơn. Bối cảnh hiện tại khác nhiều so với năm 2009, nên cần tính toán rất kỹ lưỡng giải pháp kích cầu, để vừa đạt mục tiêu trước mắt là giảm hàng tồn kho, khơi thông sản xuất, vừa giảm hệ lụy lạm phát trong những năm tới.

 

Cụ thể, theo ông, cần kích cầu như thế nào, nên chăng cần có một gói kích cầu?

Nói có gói kích cầu tổng thể lúc này có thể còn hơi sớm, nhưng rõ ràng là cần ngay những giải pháp hữu hiệu để kích cầu nền kinh tế. Để giảm thiểu hệ lụy gây lạm phát như gói kích cầu năm 2009, lúc này cần triển khai các giải pháp kích cầu theo kiểu gián tiếp, trong đó cần ưu tiên 3 giải pháp.

Thứ nhất, quan trọng nhất là Chính phủ cần tập trung đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công bằng việc đơn giản hóa thủ tục triển khai, thanh quyết toán... Giải pháp này vừa nâng cao tổng cầu cho nền kinh tế, giúp giảm dần hàng tồn kho, tạo cơ hội cho khơi thông sản xuất, vừa tạo ra công ăn việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ hai, nên có các chính sách hỗ trợ cụ thể cho DN sản xuất, đơn vị phân phối, để giúp giảm giá các loại hàng hóa, qua đó kích thích tiêu dùng.

Thứ ba, trên cơ sở mặt bằng chung của chính sách miễn, giãn, giảm thuế hiện tại, cần điều tra kỹ lưỡng xem loại hình DN nào, thuộc ngành nghề gì tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp nhiều cho ngân sách và có cơ hội phát triển tốt, thì gia tăng liều lượng của các chính sách miễn, giãn, giảm thuế, trong đó có cả miễn, giảm một số loại phí, để vừa dưỡng nguồn thu, vừa giúp DN giảm thiểu chi phí đầu vào, giảm giá thành sản phẩm, dần khôi phục hoạt động.