Theo đó, bị cáo Trần Trung Chí Hiếu (SN 1963), nguyên Chủ tịch HĐQT PVTEX bị tuyên phạt 13 năm tù giam tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, 15 năm tù vì tội Nhận hối lộ. Tổng hợp mức án là 28 năm tù giam.
Các bị cáo Đỗ Văn Hồng (SN 1967, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ PVC.KBC) bị tuyên phạt 13 năm tù; bị cáo Đào Ngọ Hoàng (SN 1978, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX) bị tuyên phạt 9 năm tù; bị cáo Vũ Phương Nam (SN 1979, nguyên Kế toán trưởng PVTEX) bị tuyên phạt 8 năm tù cùng vì tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Về dân sự, buộc bị cáo Đỗ Văn Hồng phải trả lại hơn 19 tỷ đồng cho PVTEX. Bị cáo Trần Trung Chí Hiếu phải trả lại số tiền 3 tỷ đồng nhận hối lộ để sung công quỹ.
Theo HĐXX, PVTEX được thành lập trên cơ sở thỏa thuận hợp tác đầu tư ngày 15/5/2017 về việc xây dựng Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX).
Quá trình hoạt động, PVTEX có chủ trương đầu tư dự án Nhà ở cho cán bộ, công nhân viên. Theo đó, dự án có mức đầu tư hơn 318 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn I là hơn 101 tỷ đồng, giai đoạn 2 là hơn 216 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện giai đoạn I gồm vốn vay của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (PVN) và vốn chủ sở hữu của PVTEX.
Quá trình triển khai thực hiện Dự án, Trần Trung Chí Hiếu, Vũ Đình Duy (nguyên Tổng giám đốc PVTEX, đã bỏ trốn) đã quyết định lựa chọn, ký hợp đồng với nhà thầu không đủ năng lực, tự ý thay đổi thiết kế, thi công trái với hồ sơ thiết kế.
Trong việc tạm ứng và sử dụng tiền tạm ứng, Trần Trung Chí Hiếu, Vũ Đình Duy, Đào Ngọ Hoàng, Vũ Phương Nam và Đỗ Văn Hồng đã có hành vi cố ý làm trái quy định tại khoản 6, điều 7, Nghị định 48 của Chính phủ về Hợp đồng xây dựng dẫn đến hậu quả thiệt hại cho Nhà nước hơn 19 tỷ đồng.
Ngoài ra, hành vi trên còn để lại hệ quả rất lớn, Dự án dở dang, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành quyết định thu hồi đất của dự án.
Ngoài ra, Trần Trung Chí Hiếu còn có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn và sự lệ thuộc của Đỗ Văn Hồng, buộc ông ta phải chi cho mỗi người 3 tỷ đồng để được tham gia góp vốn thành lập PVTEX Kinh Bắc và tạo điều kiện thuận lợi cho PVTEX Kinh Bắc trong việc kinh doanh mua, bán sản phẩm với PVTEX.
Xét tính chất mức độ hậu quả, vai trò nhân thân của các bị cáo, HĐXX nhận thấy bị cáo Hiếu có những sai phạm trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực. Bị cáo có hành vi cố ý làm trái, chỉ đạo cấp dưới cho tạm ứng tiền sai quy định, không chỉ đạo giám sát việc sử dụng tiền.
Bị cáo Đỗ Văn Hồng đã sử dụng sai mục đích số tiền 19 tỷ đồng và phải chịu trách nhiệm về sự thất thoát này.
Bị cáo Đào Ngọc Hoàng biết việc tạm ứng là trái quy định nhưng vẫn thực hiện dẫn đến hậu quả thiệt hại hơn 19 tỷ đồng. Trong việc tạm ứng, bị cáo Hoàng là người soạn thảo văn bản đề nghị. Bị cáo Nam là người làm thủ tục tạm ứng.
Tại phiên tòa, các bị cáo có thái độ khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, nhân thân tốt, trong học tập, công tác được tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, người thân có những đóng góp cho đất nước nên cho các bị cáo được hưởng một số tình tiết giảm nhẹ.
Về số tiền 3 tỷ đồng bị cáo Hiếu nhận từ bị cáo Hồng, HĐXX quyết định tịch thu số tiền này sung công quỹ vì khi đưa tiền, bị cáo Hồng không bị buộc đưa.
HĐXX thấy rằng bị cáo Vũ Đình Duy đã Cố ý làm trái trong việc lựa chọn nhà thầu và các vi phạm khác trong việc tạm ứng gây thiệt hại cho nhà nước hơn 19 tỷ đồng. Vũ Đình Duy buộc bị cáo Hồng phải đưa cho mình và bị cáo Hiếu mỗi người 3 tỷ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Hồng còn khai nhiều lần phải đưa tiền cho Duy tới hơn 19 tỷ đồng. Sau khi hành vi phạm tội bị phát giác, Duy đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đã ra quyết định tách hành vi của bị cáo Duy để xử lý sau. HĐXX kiến nghị các cơ quan hữu quan và quốc tế tích cực truy bắt Vũ Đình Duy để sớm đưa ra xét xử trước pháp luật.