Luật sư Trương Anh Tú xét hỏi bị cáo Đỗ Xuân Hòa - cựu Kế toán trưởng TISCO. Bị cáo Hòa trình bày, để thực hiện dự án, TISCO đã vay vốn Vietinbank và VDB, thời hạn vay 10 năm, trong đó có 2,5 năm ân hạn. Thời điểm giải ngân lần đầu vào năm 2009. Mục đích vay phục vụ dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Vào giai đoạn đầu, VDB cho vay ưu đãi, sau này có phụ lục hợp đồng điều chỉnh lãi suất.
Theo cáo trạng, dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.834 tỷ đồng. Năm 2013, liên quan đến những sai phạm khi thực hiện, dự án bị đội vốn lên 8.104 tỷ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Tính đến ngày 31/12/2018, TISCO đã chi 4.423 tỷ đồng thực hiện dự án, bao gồm vốn chủ đầu tư 1.335 tỷ đồng, vay Ngân hàng VDB 1.404 tỷ đồng, Vietinbank Hà Nội 1.684 tỷ đồng. TISCO đã trả lãi cho các ngân hàng 830 tỷ đồng.
Bị cáo Hòa cho rằng việc cơ quan tố tụng cáo buộc các bị cáo gây thất thoát số tiền 830 tỷ đồng là không hợp lý. Vì tiền vay phục vụ cho toàn bộ dự án trong đó có mỏ sắt Tiến Bộ hiện đã đi vào hoạt động và mang lại hiệu quả tốt. Tuy nhiên, nguồn tiền chi vào mỏ sắt Tiến Bộ, bị cáo Hòa khai không nhớ chính xác.
Trả lời luật sư, đại diện ủy quyền của TISCO cho biết, số vốn để thực hiện dự án là hơn 4.400 tỷ đồng và đã được giải ngân hết. Trong đó vốn của TISCO là 1.300 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn vay ngân hàng.
“Số vốn thanh toán cho các nhà thầu là 2.100 tỷ đồng? Vậy còn hơn 2.300 tỷ đồng, công ty gửi vào tài khoản nào, có phát sinh lãi không, có thể bù đắp cho chi phí không”?, luật sư hỏi.
Vị này cho biết, số liệu cụ thể phải do phòng nghiệp vụ tài chính cung cấp. Dự án chia làm 4 phần, phần a là hơn 3 triệu USD, phần b là hơn 114 triệu USD và phần c là hơn 42 triệu USD. Trong tất cả hạng mục, TISCO đã thanh toán hơn 90% hạng mục.
“Hiện nay TISCO và MCC đang đàm phán thực hiện các phần còn lại chưa thực hiện. Với thiết bị mà TISCO đã thanh toán cho MCC và MCC cung cấp có một số sai khác về kỹ thuật. Hiện TISCO đang yêu cầu nhà thầu này hoàn trả”, đại diện TISCO cho hay.
Đại diện TISCO cho biết, Công ty được xác định là nguyên đơn dân sự trong vụ án này nhưng đến nay, Công ty không có đơn bồi thường thiệt hại.
“Không ai có ý kiến dừng dự án”
Trả lời luật sư, bị cáo Mai Văn Tinh - cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thép Việt Nam - VNS trình bày, khi bị cáo nhận chức, dự án này rất bế tắc. Bị cáo có tâm nguyện phát triển dự án vì đây là dự án trọng điểm, có quan hệ tốt với Trung Quốc, không ai có ý kiến dừng dự án cả. Khi thấy ở dưới đề xuất biện pháp tìm cơ chế đặc thù cho dự án thì bị cáo thực hiện.
Còn về việc giới thiệu nhà thầu Vinaincon, bị cáo Tinh khẳng định “thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên”.
“Trong việc lựa chọn nhà thầu phụ, Vinaincon là phương án tốt nhất, hiệu quả nhất vì xuất xứ từ xây lắp luyện kim. Tôi tin tưởng cấp dưới và có văn bản giới thiệu của Bộ Công thương”, bị cáo Tinh khai.
Bị cáo cũng cho rằng, cáo buộc ông tội Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng là hơi nặng. “Tôi làm hết sức, hết lòng vì sự nghiệp. Đứng về vai trò cá nhân, tôi có sai sót là chưa cặn kẽ và quá tin tưởng vào anh em”, bị cáo khai.