Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết muốn dùng 5.000 tỷ đồng tích luỹ 20 năm để khắc phục hậu quả

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Trịnh Văn Quyết bày tỏ mong muốn Hội đồng xét xử tạo điều kiện gỡ phong toả số tài sản cá nhân khoảng gần 5.000 tỷ đồng để sớm khắc phục hậu quả vụ án.
Ông Trịnh Văn Quyết hầu toà vì bị cáo buộc tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: CTV)

Ông Trịnh Văn Quyết hầu toà vì bị cáo buộc tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Ảnh: CTV)

Cựu Chủ tịch FLC mong muốn được khắc phục hậu quả hoàn toàn

Ngày 23/7, phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Tập đoàn FLC và các đơn vị liên quan bước vào ngày xét xử thứ hai.

Buổi chiều, Toà án nhân dân TP. Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi của đại diện Viện kiểm sát và luật sư đối với các bị cáo. Hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội và đồng ý với nội dung cáo trạng.

Đối với ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch tập đoàn FLC, luật sư xét hỏi cho biết, với hai tội danh bị quy kết đồng thời là "Thao túng thị trường chứng khoán" và "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", ông Quyết sẽ phải bồi thường cho các bị hại khoảng 4.300 tỷ đồng.

Khi được hỏi phương án bồi thường, ông Quyết trả lời: "Trong trường hợp Hội đồng xét xử tuyên bị cáo phải khắc phục số tiền trên, bị cáo xin được dùng toàn bộ tài sản cá nhân đang bị phong tỏa để khắc phục".

Theo cựu Chủ tịch FLC, hiện ông có số tài sản gần 5.000 tỷ đồng đang bị phong toả.

"Đó là toàn bộ tài sản tích lũy trong hơn 20 năm lập nghiệp của bị cáo. Bị cáo tha thiết mong được tạo điều kiện gỡ phong tỏa để khắc phục", ông nói.

Theo ông Quyết, hiện ông mới được tạo điều kiện để bán "đứa con tâm huyết nhất" là hãng hàng không Bamboo Airways. Số tiền thu được gần 200 tỷ đồng đã được gia đình khắc phục hậu quả vụ án. Còn 500 tỷ đồng, ông cho biết, sau khi được đối tác thanh toán cũng sẽ nộp ngay vào tài khoản tạm giữ của cơ quan chức năng.

Khẳng định bản thân sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Hội đồng xét xử và luôn mong muốn được khắc phục hậu quả hoàn toàn, bị cáo này còn bày tỏ mong muốn được nhận hết trách nhiệm cho những bị cáo liên đới khác.

Luật sư tiếp tục hỏi: "Trong trường hợp toàn bộ tài sản của bị cáo vẫn không đủ khắc phục thì bị cáo có phương án nào khác?"

Ông Quyết đáp: "Tôi tin là tôi có thể khắc phục được toàn bộ đối với số tiền này vì thực tế tại thời điểm tôi bị khởi tố và bắt tạm giam, giá trị các cổ phiếu trên các tài khoản chứng khoán của tôi là gần 5.000 tỷ đồng. Ngay trước khi xét xử, tôi đã động viên người nhà vay mượn và nộp thêm được 23 tỷ đồng. Trong thời gian Tòa xét xử, tôi vẫn đang nhờ người nhà cố vay thêm 25,1 tỷ đồng nữa".

Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng đề nghị các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ông có cổ phần được hoạt động bình thường, tạo điều kiện để cổ phiếu của các doanh nghiệp này có thể giao dịch bình thường.

"Tôi xin Hội đồng xét xử cho tôi có cơ hội sớm quay trở lại cộng đồng để tôi tiếp tục làm việc và nộp toàn bộ tiền khắc phục hậu quả", ông Quyết đề nghị.

"Tôi không có ý định lừa đảo nhà đầu tư"

Đối với tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà cáo trạng thể hiện, ông Quyết cho rằng, bản thân không có ý định lừa đảo nhà đầu tư. Bản thân ông khi quyết định mua lại Công ty Faros cũng chỉ muốn gây dựng công ty này thành "thương hiệu" cho FLC.

"Có thời điểm cổ phiếu của Faros lên hơn 200.000 đồng tôi không bán, nhưng tại thời điểm dịch Covid-19, vì khó khăn mà phải bán dưới 3.000 đồng", ông Quyết khai và khẳng định giá trị công ty lớn hơn thế vì Faros là công ty lớn đã và đang triển khai nhiều dự án lớn tại nhiều tỉnh.

"Tôi không bao giờ muốn bán cổ phiếu Faros, nhưng khó khăn vì dịch nên phải bán. Sau khi giải quyết khó khăn tôi sẽ mua lại, nhưng chưa thực hiện được thì tháng 3/2022 tôi đã bị bắt", ông Quyết nói.

Trước đó, trong ngày đầu xét xử (22/7), theo thông báo của chủ tọa phiên toà, Tòa án đã cho triệu tập hơn 30.000 bị hại của vụ án tới phiên xét xử. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên vào sáng cùng ngày, chỉ có khoảng hơn 30 bị hại có mặt.

Được biết, đến nay cơ quan tố tụng xác định có 133 người đang sở hữu hơn 627.000 cổ phiếu ROS ban đầu. Trong đó chỉ có 95 bị hại yêu cầu bồi thường thiệt hại do đang sở hữu hơn 381.000 cổ phiếu với giá trị mua gần 1,4 tỷ đồng.

Được biết, gia đình ông Quyết cũng đã gặp, xin lỗi và bồi thường cho 133 nhà đầu tư trên với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.

Tin bài liên quan