Bị cáo Minh tại tòa.

Bị cáo Minh tại tòa.

Cựu Chủ tịch Đà Nẵng tranh cãi về trách nhiệm của người tiền nhiệm

(ĐTCK) Chiều muộn 7/5, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng tiếp tục với phần tranh luận. Trước đó, đại diện cơ quan công tố không chấp nhận đơn kháng cáo kêu oan của bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến và Phan Văn Anh Vũ.

Tự bào chữa trước tòa, cựu Chủ tịch Trần Văn Minh đã đưa ra 10 kiến nghị, tập trung nhiều vấn đề.

Bị cáo cho rằng, bản thân không vi phạm Nghị định 61/CP năm 1994 của Chính Phủ, Quyết định số 09/2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp, xử lý nhà đất tiếp quản sau năm 1975 được thực hiện qua các thời kỳ Chủ tịch trước đây; không vi phạm trong việc chuyển nhượng bằng hình thức chỉ định.

Nhắc đến việc chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất ở tại dự án Phú Gia Compound và Dự án 3,77 ha, bị cáo cho rằng thời điểm đó ông Huỳnh Đức Thơ – Chủ tịch UBND Đà Nẵng ký với chứng cứ là Quyết định số 1066, 6681.

“HĐXX sơ thẩm đã nhận thấy điều này nên đã loại trừ trách nhiệm hình sự của tôi tại dự án Phú Gia Compound, nhưng bản án lại không tuyên tôi bị oan sai để làm rõ trách nhiệm của cơ quan tố tụng hình sự khi quy kết tôi làm thiệt hại ngân sách nhà nước 760,9 tỷ đồng. Bản án không loại trừ cho tôi số tiền bị oan này”, bị cáo Minh nói.

Bị cáo cho rằng, khi định danh vụ án là Trần Văn Minh và các bị cáo phạm tội thì chỉ tập trung vào trách nhiệm của bị cáo khi làm Chủ tịch từ năm 2006 - 2011, loại khỏi các nội dung không liên quan như việc giải quyết tài sản 158 Bạch Đằng, 17 Lê Duẩn liên quan đến ông Hoàng Tuấn Anh làm Chủ tịch UBND; dự án Phú Gia Coumpound và Dự án 3,77 ha liên quan đến ông Huỳnh Đức Thơ…

Từ đó, bị cáo đề nghị trả hồ sơ để điều tra lại.

Bào chữa cho bị cáo Minh, luật sư Phan Thị Lệ Tuyên cho rằng, việc buộc tội bị cáo làm trái quy định của Nghị định 61/CP năm 1994 là không đúng. Bởi lẽ 18 nhà đất công sản trong vụ án này thuộc dạng nhà vắng chủ, các đơn vị kinh doanh thuê làm văn phòng và phục vụ mục đích thương mại.

Luật sư cũng đặt vấn đề hành vi không thông qua đấu giá, cho phép giảm hệ số sinh lợi là đúng hay sai? Có gây thất thoát không?

Theo luật sư, UBND TP bán, chuyển nhượng nhà công sản phù hợp và thỏa mãn 3 điều kiện mà Giám định viên tư pháp Bộ xây dựng đã giải thích là đưa ra bán đấu giá nhưng không có ai mua, bán cho tổ chức cá nhân đang thuê và thuộc dạng nhà đất đã được sắp xếp lại.

Với 5 dự án bản án sơ thẩm cáo buộc bị cáo Minh Vi phạm quy định quản lý đất đai, luật sư cho rằng đây là đất chưa giải phóng mặt bằng, đất khai hoang, phục hóa, lấn biển thì không phải đấu giá. Đơn cử như dự án 29 ha Khu quốc tế mới Đa Phước, dự án Habour Ville là dự án lấn biển thuộc dạng khuyến khích đầu tư…

Cũng theo luật sư, cáo trạng chưa làm rõ được ý thức, nhận thức chủ quan, động cơ, mục đích của bị cáo.

“Điểm mấu chốt để xác định các hành vi chỉ đạo cấp dưới, ban hành chủ trương văn bản có phạm tội không thì phải chứng minh có sự bàn bạc, thông đồng, thỏa thuận ăn chia với Phan Văn Anh Vũ. Tuy nhiên các cấp tiến hành tố tụng không làm rõ vấn đề này”.

Luật sư cũng đề nghị tòa phúc thẩm xem xét để tuyên bản án đúng tội.

Bản án sơ thẩm nhận định, bị cáo Trần Văn Minh là người giữ vai trò chính trong vụ án, ban hành các chủ trương chính sách trái pháp luật, là người trực tiếp quyết định trong việc chuyển nhượng, giao dự án và bán nhà, đất công sản của TP Đà nẵng như về đối tượng được giao dất dự án mua nhà, đất công sản, mức giá và tên người nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà, dự án.

Bị cáo chỉ đạo các bị cáo khác dưới quyền trong quá trình thực hiện việc phạm tội và trực tiếp cùng các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội. 

Tòa sơ thẩm phạt bị cáo 17 năm tù về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và Vi phạm các quy định về quản lý đất đai và buộc bồi thường 396 tỷ đồng.

Tin bài liên quan