Bà Yến vẫn chưa đòi lại được tiền từ Phạm Văn Trung.

Bà Yến vẫn chưa đòi lại được tiền từ Phạm Văn Trung.

Cựu CEO thép Nam Kim bị siết nợ bằng cổ phiếu

Cựu CEO 18 ngày Phạm Văn Trung của HSG, sau khi tiếp tục trở thành cựu CEO thép Nam Kim vẫn chưa hết "nổi tiếng". Ông Trung đang đối mặt với khả năng bị tước quyền sở hữu cổ phiếu.

Cựu CEO 18 ngày của Tập đoàn Hoa Sen (HSG) Phạm Văn Trung hơn một năm qua đã nổi tiếng vì nhiều chuyện, như chuyện “nổ” mình là thạc sĩ, nợ tiền, cổ phiếu rồi chây ỳ không trả... Kể cả khi sang làm CEO cho Công ty cổ phần thép Nam Kim (Bình Dương) hai năm qua, những khoản nợ cũng không được Trung thanh toán. Gần hai năm tìm đủ mọi cách để đòi nợ, kiện cáo tại tòa, dù được Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên thắng kiện gần một năm qua nhưng khổ chủ vẫn chưa nhận lại được một xu từ Trung.

 

Phong tỏa cổ phiếu vì không chịu thi hành án

 

Sau nhiều tháng bất lực với Phạm Văn Trung, ngày 1-11-2013 Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương đã gửi văn bản đến Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam yêu cầu ngăn chặn số cổ phiếu mà ông này đang đứng tên nhằm đảm bảo thi hành bản án trong đó Trung là bị đơn và thua kiện.

 

Công văn nêu rõ lý do Chi cục THADS thị xã này tổ chức thi hành quyết định của Tòa án nhân dân (TAND) thị xã Thuận An ngày 1-2-2013 và quyết định của Chi cục THADS thị xã ngày 25-10-2013 đối với ông Phạm Văn Trung, phải trả cho bà Võ Thị Hồng Yến 1.135.000.000 đồng. Quá trình thực hiện bản án, do ông Trung không tự nguyện thi hành mà luôn lẩn tránh trách nhiệm, chây ỳ, qua nắm thông tin, biết ông này đang sở hữu 1.177.699 cổ phiếu NKG (mã đang niêm yết của Cty CP thép Nam Kim) nên chi cục yêu cầu Trung tâm lưu ký chứng khoán VN phong tỏa, ngăn chặn đầu ra, nhằm tránh việc đối tượng tẩu tán cổ phiếu, đảm bảo cho việc thi hành bản án trên.

 

Vụ việc bắt đầu từ tháng 6-2011, bà Võ Thị Hồng Yến (ngụ phường 12, Q.Gò Vấp) cho Phạm Văn Trung (ngụ 149/62 Lũy Bán Bích, P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú, TPHCM) người từng làm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen 18 ngày gây đình đám và mới từ chức Tổng giám đốc Công ty cổ phần thép Nam Kim đầu tháng 10-2013, vay một tỷ đồng theo lời đề nghị của ông này. Hai bên lập hợp đồng vay mượn hẳn hoi với thời hạn vay, trả rất rõ ràng. Trong đó, ông Trung cam kết chỉ vay ba tháng, sau đó sẽ “hoàn trả cho bên A (bà Yến) nợ gốc và lãi theo thỏa thuận trong hợp đồng”. Tuy nhiên, sau khi lấy được tiền thì ông Trung bội tín, không chịu trả nợ như đã hứa. Đến hạn, ngày 22-9-2011 ông Trung năn nỉ bà Yến “gia hạn” thêm ba tháng và “hứa” sẽ trả lãi vay cho những tháng kéo dài cùng với tiền gốc. Bà Yến một lần nữa đồng ý trước những lời ngon ngọt ấy. Thế nhưng, hết thời gian gia hạn, bà Yến rất ngỡ ngàng khi ông Trung lánh mặt, chây ỳ không trả nợ.

 

Nhiều tháng sau dù liên tục gọi điện, nhắn tin yêu cầu trả nợ nhưng ông này vẫn im re, bà Yến phải làm thông báo gửi ông Trung yêu cầu thanh toán nhưng ông này vẫn cương quyết không hồi âm. Bất lực trước con nợ chây ỳ (lúc này đã được bổ nhiệm Tổng giám đốc Cty thép Nam Kim), bà Yến đã làm đơn khởi kiện ra tòa đòi lại tiền.

 

Thua kiện vẫn cù nhầy

 

Ngày 1-2-2013, TAND thị xã Thuận An đã đưa vụ án ra xét xử. Tại tòa, người đại diện của Phạm Văn Trung tha thiết xin HĐXX không tính lãi và cho phép được trả cho bà Yến mỗi tháng 50 triệu đồng, đến khi nào hết nợ thì thôi. Tuy nhiên, yêu cầu vô lý này của Trung đã bị tòa bác bỏ đồng thời tuyên buộc Phạm Văn Trung phải trả cho bà Yến tổng số tiền cả gốc lẫn lãi trong 12 tháng kể từ khi vay là 1.135.000.000 đồng, dứt điểm trong một lần. Thế nhưng sau khi có bản án, Trung vẫn phớt lờ việc trả nợ. Cơ quan thi hành án ra quyết định, Trung vẫn không chấp hành, buộc nơi này phải tìm cách phong tỏa tài sản là cổ phiếu của đối tượng.

 

Nhắc đến Trung, bà Yến ngao ngán: “Tôi không hiểu sao khi vay tiền thì Trung ngọt ngào thế, hứa chắc như đinh đóng cột, nhưng khi lấy được tiền rồi thì không chịu trả. Bản thân ông ta luôn nổ là một CEO tài năng, thành đạt và công bố là đang sở hữu số cổ phiếu trị giá nhiều tỷ đồng, nhưng vẫn không chịu trả tiền cho tôi. Người bội tín như thế làm CEO một công ty thì làm sao ăn nói với nhân viên, khách hàng đây?”.   

 

Ngày 11-10-2013, Công ty cổ phần thép Nam Kim bất ngờ ra thông báo ông Phạm Văn Trung  không còn là tổng giám đốc bắt đầu từ thời điểm này. Trước đó, khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen từ 1-4-2011, Trung chỉ ngồi được 18 ngày và xin từ chức, nhảy qua làm việc tại thép Nam Kim (một đối thủ cùng ngành với Hoa Sen). Tại đây, Trung được bổ nhiệm tổng giám đốc từ ngày 19-11-2011 và chưa đầy hai năm lại... từ chức, mà không nêu rõ lý do.     

>> Cựu CEO Hoa Sen bất ngờ từ chức Tổng giám đốc Nam Kim

>> HSG lại tố cựu CEO tham nhũng cước vận tải