Cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Alexei Kudrin cho biết việc Tổng thống Putin chỉ đạo thành lập các quỹ dự phòng trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Nga đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc vực dậy nền kinh tế Nga trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
“Tôi chỉ muốn nói rằng ông ấy là người duy nhất, có lẽ là đi ngược lại với nhiều người ở vị trí khác, khi ủng hộ việc thành lập Quỹ Bình ổn, sau đó là Quỹ Dự trữ và cuối cùng là Quỹ Di sản Quốc gia. Tất cả đều đóng vai trò quyết định trong khủng hoảng năm 2008 - 2009”, ông Kudrin, người hiện giữ chức Chủ tịch Kiểm toán nhà nước Nga, cho biết.
“Ông ấy đã đóng góp công sức trong nhiều khía cạnh, mặc dù chúng tôi đều nghĩ ra ý tưởng hoặc xem qua chúng. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể trở thành hiện thực nhờ quyết tâm chính trị của ông ấy”, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga nói thêm.
Theo ông Kudrin, việc thành lập các quỹ dự trữ theo lệnh của Tổng thống Putin đóng vai trò “quan trọng nền tảng trong việc cứu nền kinh tế Nga cũng như đảm bảo chi tiêu xã hội”.
“Lương không giảm, trong khi trợ cấp thậm chí tăng gấp đôi trong giai đoạn khủng hoảng. Đó là điều rất quan trọng”, cựu Bộ trưởng nhấn mạnh.
Năm 2008, Quỹ Bình ổn của Nga được chia thành Quỹ Di sản Quốc gia và Quỹ Dự trữ, trong đó nguồn tài chính thuộc Quỹ Dự trữ đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các yêu cầu ngân sách trong giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Đến năm 2018, quỹ này chấm dứt do tình trạng cạn kiệt.
Tổng thống Putin hồi tháng 4 tuyên bố Nga hoàn toàn có thể lọt vào nhóm 5 nền kinh tế phát triển nhất thế giới trong tương lai.
Ông chủ Điện Kremlin cho biết Nga đang phải đối mặt với bài toán trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tính theo ngang giá sức mua (PPP).
Hiện Nga đứng ở vị trí thứ 6, sau Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Đức.