Đang có ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia vào cuộc chơi vũ trụ ảo. Ảnh: Meta.

Đang có ngày càng nhiều doanh nghiệp bất động sản tham gia vào cuộc chơi vũ trụ ảo. Ảnh: Meta.

Cushman & Wakefield: Metaverse có thể thay đổi cuộc chơi bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nhận định này được Cushman & Wakefield đưa ra trong nghiên cứu mới đây về lĩnh vực vũ trụ ảo – Metaverse với ngành bất động sản toàn cầu.

Theo Global Market Estimate, thị trường metaverse toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 45,5% từ năm 2022 đến năm 2027.

Cushman & Wakefield nhận định, có nhiều doanh nghiệp đang tiên phong trong việc áp dụng công nghệ mới của metaverse vào hoạt động bất động sản của mình, dưới đây là một số ví dụ về ứng dụng trong các phân khúc văn phòng, bán lẻ, nhà ở, khách sạn và công nghiệp.

Đối với phân khúc văn phòng, theo Cushman & Wakefield, Metaverse có thể cho phép các doanh nghiệp xây dựng không gian văn phòng trong thế giới ảo nơi nhân viên và khách hàng của họ có thể gặp gỡ, làm việc, cộng tác, trao đổi ý tưởng và bán hàng. Điều này cũng có nghĩa là nhân viên có thể làm việc theo cách của họ, vẫn được truyền đầy cảm hứng để làm việc hiệu quả mà không cần phải di chuyển đến văn phòng thật.

Ví dụ điển hình là ứng dụng Workrooms của Meta, cho phép nhân viên đăng nhập vào văn phòng ảo, đeo kính thực tế ảo của Meta và trao đổi với đồng nghiệp như đang thật sự đứng bên cạnh nhau. Dù vẫn còn nhiều rào cản cho việc áp dụng rộng rãi như chi phí (giá một chiếc kính dao động từ 429 - 1.000 USD, theo Meta), độ tiện dụng và tính cần thiết, vẫn còn rất nhiều dự địa phát triển cho vũ trụ ảo văn phòng khi ngày càng nhiều người muốn làm việc từ xa bán hoặc toàn phần, và các công ty mở rộng phạm vi tuyển chọn nhân tài.

Trong ngành bán lẻ chính là một trong những mảng đang phát triển mạnh mẽ với sự hỗ trợ của metaverse. Hàng loạt chủ trung tâm mua sắm, nhà điều hành và nhà bán lẻ đã và đang thiết kế và xây dựng không gian bán lẻ ảo với hy vọng tạo ra một nơi có những trải nghiệm độc đáo cho khách hàng. Người mua sắm có thể đến trải nghiệm không gian cửa hàng, thử quần áo,giày dép lên avatar, tùy chỉnh chất liệu và màu sắc. Đây là nơi vũ trụ ảo có thể giao nhau trong cuộc sống thực, vì người tiêu dùng cũng có thể chọn mua những mặt hàng này trong thế giới ảo, và ngay lập tức được giao hàng đến tận nhà trong thế giới thực.

Bằng cách hiểu hành vi của người tiêu dùng trong thế giới ảo, metaverse có thể cung cấp thông tin sâu hơn về tâm lý người dùng cho các thương hiệu, giúp nhãn hàng dự đoán xu hướng và định vị khách hàng tốt hơn. K11, Adidas, Burberry, Gucci, Tommy Hilfiger, Nike, Samsung và Louis Vuitton đều là những ví dụ về các doanh nghiệp trên thế giới đã xây dựng nền tảng bán lẻ ảo trên metaverse.

Đối với mảng cư trú, Cushman & Wakefield đánh giá công nghệ này có thể được áp dụng tương tự như bán lẻ, nơi người mua tiềm năng có thể tham quan khu dân cư và khu vực lân cận được tạo dựng hoàn toàn giống thật trong metaverse trước khi mua nhà. Điều này mở rộng nhóm người mua bất động sản nhà ở tiềm năng do khách hàng có thể cảm nhận không gian nhà và khu vực từ bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Công nghệ cũng có thể cho phép các kiến ​​trúc sư, nhà thiết kế và chủ nhà thiết kế một ngôi nhà trong một thế giới ảo thực tế, nơi các khía cạnh như ánh sáng mặt trời, thời tiết, các mùa và môi trường xung quanh đều có thể được tính toán chính xác để nâng cao tính thẩm mỹ của ngôi nhà, giảm mức sử dụng năng lượng và tài nguyên, nâng cao sức khỏe và sự an toàn của tài sản.

Đối với ngành khách sạn, thực tế ảo cho phép những vị khách tiềm năng ghé thăm khách sạn trước khi đặt phòng. Công nghệ cũng cho phép các khách sạn và nhà tổ chức sự kiện phát triển và thực hiện các sự kiện hội thảo, hội nghị và diễn đàn, có thể truy cập trên toàn thế giới và không cần người tham dự và diễn giả di chuyển đến từ nơi xa.

Tuy nhiên, điều này có nghĩa là thị phần MICE – du lịch hội nghị và triễn lãm có thể ​​sẽ bị ảnh hưởng do khách tham dự không còn cần mất thời gian di chuyển đến tận nơi để tham dự nữa. Theo Euromonitor International, trên toàn cầu, 274 triệu chuyến công tác có thể bị mất vào năm 2027 và khoảng 36 tỷ đô la Mỹ chi phí đi công tác trực tiếp có thể được chuyển sang các sự kiện và hoạt động đi công tác ảo trong metaverse.

Đối với lĩnh vực công nghiệp, một số công ty như Siemens đã thành công trong việc tạo ra bản sao nhà máy trên vũ trụ ảo, cho phép sửa chữa thiết bị công nghiệp được thực hiện từ xa bởi các kỹ sư có trình độ nhưng đang ở xa khu nhà máy. Bên cạnh đó, công nghệ vũ trụ ảo cần rất nhiều sức mạnh máy tính và bộ nhớ để hoạt động, từ đó đẩy mạnh tốc độ phát triển và quy mô của data center – trung tâm dữ liệu.

Cushman & Wakefield đánh giá, đa số các loại công nghệ mới, trước khi thay đổi thế giới, đều sẽ phải trải qua quá trình phát triển dài để hoàn thiện và thuyết phục người dùng, ví dụ: Internet, công nghệ di động, và gần đây nhất là công nghệ AI - trí tuệ nhân tạo. Trước lúc ChatGPT bùng nổ trong đại chúng, AI đã phải trải qua quá trình phát triển và thử nghiệm hàng chục năm trước khi ứng dụng rộng rãi trong mọi mặt cuộc sống như ngày nay.

Cushman & Wakefield dự đoán câu chuyện của metaverse cũng sẽ diễn ra tương tự, nhất là trong lĩnh vực bất động sản, khi ngày càng có nhiều nhà phát triển lớn như Alphabet (công ty mẹ Google), Meta (công ty mẹ của Facebook, Instagram và Whatsapp) đang liên tục nghiên cứu và đầu tư để áp dụng công nghệ này vào hoạt động giải trí, làm việc và cuộc sống thường ngày. Và cũng như mọi cuộc đua công nghệ trong lịch sử, người được hưởng lợi sẽ là những bên có thể tiếp cận và áp dụng công nghệ hiệu quả và nhanh chóng nhất, và bên chậm chân hoặc từ chối cơ hội thay đổi sẽ sớm bị bỏ lại phía sau.

Tin bài liên quan