Nhà máy xi măng Trung Sơn

Nhà máy xi măng Trung Sơn

“Cướp” thương hiệu dự án xi măng 1.300 tỷ đồng

Ngay trước ngày cho ra lò mẻ xi măng đầu tiên của nhà máy “khủng” trị giá 1.300 tỷ đồng, chủ đầu tư Nhà máy xi măng Trung Sơn mới tá hỏa khi nhãn hiệu của mình đã bị một doanh nghiệp nhanh tay “nẫng” mất.

Dự án nhà máy xi măng Trung Sơn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến 2020. Dự án này nổi tiếng bởi cái tên “Dự án xuyên thế kỷ” khi trải qua quá trình phôi thai suốt từ năm 1995, khi được Phó thủ tướng Chính phủ Trần Đức Lương đồng ý thông qua dự án tiền khả thi xây dựng nhà máy xi măng Hoà Bình.

 

Cạnh tranh không lành mạnh

 

Sau nhiều năm chuẩn bị, năm 2007, xét đề nghị của Bộ Xây dựng và ý kiến của các bộ có liên quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cho phép đầu tư Dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn, công suất  2.500 tấn clanhke/ngày và giao Bộ Xây dựng chỉ đạo chủ đầu tư tiếp thu ý kiến các bộ, ngành để lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án theo các quy định hiện hành.

 

Trải qua một quá trình dài long đong, nhà máy (được đặt ở Lương Sơn, Hòa Bình, cửa ngõ phía tây bắc Hà Nội) chuẩn bị cho mẻ sản phẩm đầu tiên ra đời. Đến khi làm thủ tục để đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, chủ đầu tư té ngửa khi phát hiện thấy ngoài vỏ bao xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai có in hàng chữ “Xi măng pooc lăng hỗn hợp Trung Sơn” trùng với tên Nhà máy xi măng Trung Sơn. Đáng nói, dự án nhà máy xi măng của Công ty TNHH Xuân Mai không nằm trong quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng và có công suất nhỏ hơn nhiều so với Dự án Nhà máy xi măng Trung Sơn.

 

Sau khi xem xét đơn của Xi măng Trung Sơn, cuối năm 2010 Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ KHCN) đã ra Quyết định 2470, hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho Công ty TNHH Xuân Mai. Cơ quan này còn khẳng định, việc Công ty Xuân Mai đăng ký nhãn hiệu có từ “Trung Sơn” trùng với thành phần quan trọng nhất trong chỉ dẫn thương mại “Dự án xi măng Trung Sơn” mà Công ty Bình Minh xác lập từ trước là “hành vi cạnh tranh không lành mạnh” gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

 

Nhà đầu tư bị tổn thương

 

Tuy nhiên, phán quyết này không những không bị thực hiện mà lập tức, Công ty TNHH Xuân Mai còn khởi kiện và yêu cầu Tòa hủy Quyết định 2470. TAND tỉnh Hòa Bình đã thụ lý đơn khởi kiện của Công ty TNHH Xuân Mai từ ngày 17/8/2011. Trong khi các thủ tục tố tục đang được tiến hành, Công ty TNHH Xuân Mai lại tiếp tục có động thái đổi tên doanh nghiệp, lấy tên mới là Công ty TNHH xi măng Trung Sơn.

 

Không thể nói Sở KH-ĐT Hòa Bình cũng như Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc sở này không biết đến hệ lụy gây nhầm lẫn và cạnh tranh không lành mạnh. Thế nhưng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thay đổi lần thứ 9 với việc đổi tên mới vẫn được cấp cho Công ty TNHH xi măng Trung Sơn.

 

Bằng việc cấp giấy chứng nhận này, những người có trách nhiệm thu hút đầu tư ở Hòa Bình đã làm tổn thương nặng nề nhà đầu tư. Ông Lê Quang Mạnh, Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT) khẳng định, cơ quan đăng ký kinh doanh địa phương phải có trách nhiệm từ chối cấp giấy chứng nhận trong trường hợp tên doanh nghiệp đăng ký trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ. Đối chiếu với trường hợp xi măng Trung Sơn, rõ ràng Quyết định 2470/QĐ-SHTT của Cục Sở hữu Trí tuệ đã ra  hủy bỏ từ “Trung Sơn” trong văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cấp cho Công ty TNHH Xuân Mai chính là cơ sở pháp lý để tham chiếu.