Cuối tháng, VN-Index có thể đạt 620 - 630 điểm

(ĐTCK) Sau khi VN-Index đạt ngưỡng 600 điểm, TTCK đã có những phiên giao dịch với diễn biến khó lường. Tuy nhiên, dựa trên phân tích kỹ thuật, ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới, CTCK MB (MBS) cho rằng, cuối tháng 4, VN-Index có thể chinh phục vùng 620 - 630 điểm.
Cuối tháng, VN-Index có thể đạt 620 - 630 điểm

TTCK đã trải qua 3 tháng đầu năm với xu hướng tăng và giao dịch sôi động, nhưng gần đây có những diễn biến khó lường. Ông dự báo như thế nào về thị trường trong tháng 4 này?

Mặc dù TTCK đảo chiều khá mạnh vào cuối tháng 3, đẩy VN-Index từ vùng 609 điểm về 582 điểm, với khối lượng bán ra lớn, nhưng chúng tôi tiếp tục lạc quan về thị trường trong 3 tuần đầu tiên của tháng 4. Chúng tôi đã khuyến nghị nhà đầu tư quay trở lại mua khi VN-Index về vùng 583 điểm, sau khi có khuyến nghị bán tại vùng 608 - 609 điểm.

Theo phân tích kỹ thuật, chúng tôi dự báo, VN-Index sẽ sớm chinh phục vùng 620 - 630 điểm vào cuối tháng 4 này. Tháng 4 cũng là tháng khá thú vị với TTCK Việt Nam, bởi đây là mùa Đại hội đồng cổ đông. Với việc lãi suất giảm mạnh trong thời gian qua và đà hồi phục của nền kinh tế đang tiếp diễn, chúng tôi cho rằng, mùa ĐHCĐ năm nay sẽ đón nhận những thông tin tốt về kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp.

Thời gian vừa qua, khi đi thăm một số doanh nghiệp từng gặp khó khăn trong giai đoạn 2010 - 2013 bởi đầu tư dàn trải và vay nợ nhiều, chúng tôi nhận thấy, các doanh nghiệp này đã và đang bắt đầu trỗi dậy khá mạnh mẽ do đà hồi phục của nền kinh tế và đặc biệt là được hưởng lợi từ việc lãi suất hạ. Nếu như kết quả kinh doanh yếu kém của các doanh nghiệp là một trong những nguyên nhân đẩy TTCK đi xuống trong giai đoạn 2010 - 2012 thì nay, chúng tôi cho rằng, chính những doanh nghiệp này sẽ tạo “sức sống mới” cho thị trường trong năm 2014 và thể hiện một phần vào tháng 4 này.

TTCK thường có phản ứng nhanh với các chính sách vĩ mô liên quan. Theo ông, yếu tố nào tác động mạnh đến thị trường hiện nay?

Ngoài yếu tố nội tại của các doanh nghiệp niêm yết được cải thiện thì yếu tố kinh tế vĩ mô và chính sách của Nhà nước có liên quan sẽ là động lực thúc đẩy thị trường. Ngoài việc Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa, thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì chúng tôi nhận định, sắp tới sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ TTCK, bất động sản và ngân hàng. Thông tin gần nhất có thể là Chính phủ sẽ ban hành quyết định nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo chúng tôi, việc nới room là khó có thể trì hoãn, nó sẽ góp phần giúp mục tiêu cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành thành công.

Không ít CTCK khuyến cáo, việc giải ngân vào thời điểm này tiềm ẩn nhiều rủi ro, NĐT nên cân bằng danh mục giữa tiền mặt và cổ phiếu. Quan điểm của ông như thế nào?

Việc các CTCK tư vấn nhà đầu tư thận trọng giải ngân tại thời điểm này, theo chúng tôi, cũng có cái lý của họ, khi mà thị trường đã tăng khá mạnh trong thời gian vừa qua và nhà đầu tư cần bảo vệ thành quả. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, tư vấn như vậy là chưa đầy đủ, vì việc tư vấn còn phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủi ro của nhà đầu tư và hình thức đầu tư dài hạn hay ngắn hạn.

Cuối năm 2012, chúng tôi đã đưa ra dự báo thị trường có xu hướng tăng (uptrend) dài hạn 5 - 7 năm, nên chúng tôi cho rằng, chiến lược mua và nắm giữ luôn phù hợp trong 5 - 6 năm tới. Tuy nhiên, chiến lược này chỉ phù hợp với những nhà đầu tư không sử dụng đòn bẩy tài chính cao và không giải ngân quá nhiều vào các mã đầu cơ. Nếu thực hiện đúng như vậy thì còn quá sớm để phải thận trọng về thị trường. Với những nhà đầu cơ theo xu thế trung hạn, chúng tôi đã đưa ra khuyến nghị mua từ cuối tuần trước, khi VN-Index chạm mốc 583 điểm và khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu tới khi VN-Index đạt 620 - 630 điểm vào cuối tháng 4/2014.

Chúng tôi không đánh giá cao việc giao dịch T+ trong thời kỳ này. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên lựa chọn các cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt, đồng thời đặt ra mức chốt lời và cắt lỗ để hạn chế rủi ro.

Tin bài liên quan