Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ…, báo cáo số 330/BC-NHNN về việc thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn và Nghị quyết số 63/2022/QH15 về kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV cho biết, cơ quan này đã xây dựng, từng bước triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 nhằm tạo bước chuyển rõ rệt, thực chất trong cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.
Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện các vấn đề, tồn tại, vi phạm trong hoạt động cấp tín dụng và đưa ra các kiến nghị, khuyến nghị cụ thể, có biện pháp xử lý phù hợp nhằm hạn chế rủi ro, góp phần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng.
Song song với đó, chỉ đạo các TCTD tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm của khoản nợ. Bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; nâng cao năng lực quản trị rủi ro và chất lượng công tác thẩm định tín dụng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát nợ xấu và xử lý nợ xấu.
“Đồng thời, tích cực triển khai hiệu quả công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, khắc phục những khó khăn, vướng mắc theo yêu cầu tại Nghị quyết 63/2022/QH15 của Quốc hội”, Báo cáo cho biết.
Nhờ đó, tính đến cuối tháng 8/2022, tỷ lệ nợ xấu nội bảng vẫn ở mức an toàn là 1,9%; tỷ lệ nợ xấu, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD là 4,99% (thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thực hiện quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ) cuối năm 2021 là 6,3%.
Liên quan đến công tác xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến 31/8/2022, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 404,1 nghìn tỷ nợ xấu. NHNN đã chỉ đạo các TCTD tiếp tục áp dụng toàn diện các giải pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 nhằm xử lý nhanh, hiệu quả các khoản nợ xấu.
“Khuôn khổ pháp lý về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc do liên quan đến các lĩnh vực pháp luật khác nhau. Đồng thời, nguồn lực tài chính hỗ trợ công tác cơ cấu lại còn hạn chế”, Báo cáo cho biết.
Đối với việc nâng cao năng lực tài chính của TCTD, nhất là tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng thương mại nhà nước, Báo cáo cho biết, trong thời gian qua, NHNN đã chỉ đạo 4 ngân hàng thương mại nhà nước triển khai các phương án bổ sung vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính.
Theo đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ; VietinBank đã chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ thêm 10.824 tỷ đồng sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án; Vietcombank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận còn lại năm 2019, tổng vốn điều lệ tăng thêm là 10.237 tỷ đồng; BIDV đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước thông qua chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2018-2020, tổng số vốn điều lệ tăng thêm là 10.365 tỷ đồng.
Hiện NHNN đang phối hợp các bộ, ngành liên quan xem xét, trình cấp thẩm quyền phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước; Đối với việc tăng vốn điều lệ của BIDV, Vietcombank, VietinBank, NHNN đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét, có ý kiến về việc phân phối lợi nhuận năm 2021 để làm cơ sở trình cấp có thẩm quyền xem xét tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng này.
Báo cáo nhấn mạnh: “Vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại Nhà nước tăng chậm hơn rất nhiều so với khối ngân hàng thương mại cổ phần, ảnh hưởng đến vai trò dẫn dắt thị trường, vai trò chủ lực, chủ đạo của toàn hệ thống”.