Trong ngắn hạn, một số CTCK cho rằng, thị trường có khả năng tiếp tục điều chỉnh. Tuy nhận định thị trường có thể giảm, nhưng đa phần đều nghiêng về kịch bản VN-Index không giảm quá mức hỗ trợ 565 điểm.
Dài hạn hơn, trong quý I/2015, ông Lâm dự báo, thị trường sẽ diễn biến theo xu hướng tăng tích, đây có thể là quý tạo hiệu quả cao nhất trong năm 2015.
“Gần đây, thị trường có sự điều chỉnh giảm trở lại. Dù vậy, xu hướng chủ đạo vẫn là tăng. Quá trình điều chỉnh được chúng tôi đánh giá là bình thường và cần thiết để làm ổn định hơn xu hướng tăng đang có. NĐT nên tận dụng các phiên điều chỉnh như hiện nay để nâng cao lượng cổ phiếu nắm giữ nhằm tối đa hóa lợi ích”, ông Lâm nói.
Cơ sở tăng điểm của thị trường được ông Lâm lý giải, bao gồm 3 yếu tố chính: tính chu kỳ của thị trường, khả năng mua ròng của khối ngoại và kết quả kinh doanh quý IV/2014 hứa hẹn khả quan.
Cụ thể, trong ba năm vừa qua, TTCK quý I có mức tăng trung bình 20%. Do VN-Index có một đợt điều chỉnh đáng kể trong quý IV/2014 nên xác suất để thị trường tăng điểm trong quý I năm nay gần như là 100%. Trong khi đó, xác suất VN-Index tạo đáy mới (dưới 510 điểm) là rất thấp, do đường giá được nâng đỡ mạnh bởi các vùng hỗ trợ trung hạn.
Về yếu tố hỗ trợ của các NĐT nước ngoài, trong hơn một tháng qua, cường độ bán ra của khối ngoại dần được tiết chế và hoạt động mua ròng diễn ra mạnh dần từ nửa cuối tháng 12/2014. Bên cạnh đó, dựa trên yếu tố chu kỳ ở các năm trước, trong các tháng đầu năm 2015, nhiều khả năng khối ngoại sẽ duy trì trạng thái mua ròng với cường độ bằng hoặc tốt hơn hiện nay. Ngoài ra, so sánh tương quan giữa TTCK các nước trong khu vực, chỉ số P/E hiện nay của thị trường Việt Nam vẫn ở mức cạnh tranh, kèm theo đó là tiềm năng tăng trưởng của chỉ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) vào loại cao trong khu vực, đặc biệt là sự ổn định về chính trị - xã hội của Việt Nam.
Trong khi đó, kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2014 tiếp tục được các công ty niêm yết công bố với những con số khả quan, lợi nhuận có sự cải thiện trên diện rộng. Thống kê 52 cổ phiếu mà MBKE theo dõi, tăng trưởng lợi nhuận bình quân năm 2014 ước đạt 31%: ngành tăng trưởng cao thuộc về thủy sản, tỷ lệ này đạt 115%, hàng tiêu dùng dịch vụ 100% (loại trừ MSN), điện 30,3%, xây dựng 25% và dược 43,9%. Riêng ngành dược, loại trừ JVC (tăng 193% so với năm 2013) thì tăng trưởng trung bình ngành dược đạt 14%.
Với những phân tích trên, ông Lâm cho rằng, VN-Index vào cuối quý I/2015 có thể đạt 640 điểm. Dòng tiền sẽ hướng vào các DN có báo cáo kết quả kinh doanh năm 2014 vượt kỳ vọng của thị trường. Một số nhóm ngành dự báo thu hút dòng tiền trong quý I bao gồm ngân hàng, bất động sản, các công ty hưởng lợi trực tiếp từ chi phí nhiên liệu giảm và các công ty hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng EUR.
Nhận định cho cả năm 2015, ông Lâm cho biết, đà hồi phục của kinh tế vĩ mô sẽ là trụ đỡ chính cho TTCK. Cụ thể: kỳ vọng tăng trưởng GDP 2015 đạt 6 - 6,2% (so với 5,98% năm 2014); lạm phát dưới 4% giúp DN cắt giảm chi phí sản xuất; cán cân thanh toán sẽ có thặng dư năm thứ 4 liên tiếp.
Đối với tác động của Thông tư 36/2014/TT-NHNN, ông Lâm đánh giá, Thông tư 36 sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến dòng tiền chảy vào TTCK trong năm 2015, nhưng việc áp dụng thông tư này là tích cực đối với thị trường về dài hạn. Với triển vọng hồi phục mạnh của kinh tế vĩ mô trong năm 2015, trường hợp Thông tư 36 không được giãn (có hiệu lực từ 1/2/2015) thì thị trường vẫn có điểm tựa vững chắc.