Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho rằng sẽ đẩy nhanh tiến trình bình thường hóa lãi suất. Theo đó, sau khi nâng lãi suất 3 lần trong năm nay, sẽ có thêm 1 lần tăng nữa năm 2018 và 3 - 4 lần tiếp theo năm 2019.
Trong bối cảnh này, đồng USD liên tục tăng giá, chỉ số USD Dollar, đo sức mạnh của đồng bạc xanh duy trì ở mức cao trên 95 điểm, sau khi lập đỉnh hơn 96 điểm vào giữa tuần trước.
Việc USD mạnh lên sẽ có tác động tới thị trường tiền tệ của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Theo đó, Standard Chartered nâng dự báo tỷ giá VND/USD lên 23.400 đồng/USD vào cuối năm 2018 và dự đoán VND sẽ mất giá nhẹ đầu năm 2019, trước khi nhích nhẹ so với USD vào cuối năm.
Từ nay tới cuối năm 2018, tỷ giá tiền đồng vẫn duy trì sự ổn định và trong tầm kiểm soát
Với diễn biến này, các chuyên gia tài chính nhận định, thị trường tiền tệ Việt Nam đang được điều hành một cách linh hoạt và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ có sự can thiệp nếu cần thiết.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam, đáng lẽ VND đã giảm giá mạnh so với USD, nhưng điều này không xảy ra bởi đồng nội tệ của Việt Nam được hỗ trợ bởi nguồn tiền kiều hối và dòng vốn FDI chảy mạnh.
Bên cạnh đó, việc Fed tăng lãi suất đã được thị trường dự báo sớm nên khó xảy ra cú sốc đối với tỷ giá. Thực tế cho thấy, Fed vừa quyết định nâng lãi suất cơ bản lên mức 2% - 2,25%/năm, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ ba kể từ đầu năm tới nay, nhưng tỷ giá VND/USD vẫn được kiểm soát và tiền đồng được các chuyên gia dự báo sẽ duy trì sự ổn định.
Trong thời gian qua, mức mất giá của VND so với đồng bạc xanh vẫn thấp hơn so với đồng tiền của nhiều quốc gia trong khu vực. Điều này là nhờ NHNN đã có chính sách điều hành linh hoạt, trung hòa luồng tiền, đảm bảo tỷ giá ở mức cân bằng.
Đồng thời, cơ quan này đã mua được một lượng lớn ngoại tệ, giúp dự trữ ngoại hối liên tục đạt các kỷ lục, hiện ở mức 65 tỷ USD. Với quy mô dự trữ ngoại hối lớn, NHNN hoàn toàn có năng lực để kiểm soát đồng nội tệ.
Trong khi đó, Standard Chartered duy trì nhận định, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam sẽ ở mức cao trong năm 2018, 2019 và 2020, với mức vốn đăng ký đạt 17 tỷ USD mỗi năm.
Đồng thời, dòng vốn FDI vào Việt Nam lớn hơn nhiều lần so với vốn gián tiếp (FII) vào thị trường trái phiếu và cổ phiếu, do đó, theo các chuyên gia kinh tế, sẽ không có mối đe dọa tức thì nào về khả năng rút vốn.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, HSBC Việt Nam cho rằng, các lần nâng lãi suất vừa qua của Fed đều đã được phản ánh vào giá, vì vậy, phản ứng từ thị trường ngoại hối sẽ tới từ nội dung cụ thể trong phiên bản cuộc họp, cũng như lộ trình lãi suất trong tương lai của Fed.
Đối với câu chuyện tỷ giá, lãi suất trong nước, theo ông Khoa, áp lực vẫn còn tồn tại, bởi sẽ còn nhiều lần nâng lãi suất sắp tới của Fed.
Áp lực này tăng lên hoặc giảm đi phụ thuộc nhiều vào biến động của đồng nhân dân tệ, trong bối cảnh Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, chiếm hơn 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của quốc gia và Việt Nam có thâm hụt thương mại lớn nhất với Trung Quốc. Nhân dân tệ ổn định có thể giúp neo giữ sự ổn định chung của tỷ giá trong khu vực, trong đó có VND, nếu ngược lại thì rủi ro tỷ giá là khó tránh khỏi.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng nhận định, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ còn nhiều diễn biến khó lường, Trung Quốc đang sử dụng công cụ tiền tệ và tỷ giá để giảm bớt những ảnh hưởng từ cuộc chiến. Điều này gây áp lực lớn hơn với VND.
Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm 2018, tỷ giá tiền đồng vẫn duy trì sự ổn định và trong tầm kiểm soát.
Về phía doanh nghiệp, theo hướng tích cực, với việc nền kinh tế Mỹ tăng trưởng, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng sẽ đi lên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu. Đây là cơ hội mà các công ty nội địa cần nắm bắt để đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh.