Với kế hoạch cổ phần hóa Công ty mẹ ngay trong năm nay, Tổng công ty Sông Đà đang tích cực tiến hành sắp xếp cổ phần hóa, thoái vốn tại các đơn vị thành viên.
Mới đây nhất, Sông Đà đã đăng ký bán 1,13 triệu cổ phiếu GSM để thoái vốn tại CTCP Thủy điện Hương Sơn. Thực tế, kể từ tháng 10/2015, Sông Đà đã tính chuyện thoái bớt vốn tại doanh nghiệp này, nhưng từ đó đến nay, do thanh khoản quá yếu của GSM, qua nhiều đợt đăng ký bán, Sông Đà mới bán được chưa đến một nửa mục tiêu 2 triệu cổ phiếu. Sông Đà hiện nắm giữ hơn 16,5 triệu cổ phiếu GSM, tương đương tỷ lệ 57,82% vốn điều lệ Công ty này.
Một ông lớn Nhà nước khác là Tổng CTCP Xây dựng điện Việt Nam (VNECO) cũng vừa quyết định thoái toàn bộ vốn tại CTCP Đầu tư và Xây dựng điện Mê ca Vneco (VES - UPCoM) trong tháng 9 vừa qua.
Theo đó, VNECO đăng ký bán ra 6,31 triệu cổ phiếu VES, tương đương 70,05% vốn điều lệ Công ty này từ 7/9 - 30/9/2016. Tuy nhiên, hết thời gian đăng ký, VNE mới bán được hơn 2 triệu cổ phiếu. VNECO cho biết, do thời gian qua nhu cầu mua không đáp ứng được hết khối lượng bán nên VNECO tiếp tục đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu VES còn lại từ 5/10 đến 3/11/2016 trên sàn UPCoM.
Chưa chính thức đăng ký bán vốn trên sàn, nhưng Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (Vnsteel) cũng vừa thông báo quyết định về việc phê duyệt phương án thoái vốn tại 2 doanh nghiệp niêm yết là Tổng CTCP Bảo hiểm Petrolimex (PGI - HOSE) và CTCP Kim Khí Miền Trung (KMT - HNX).
Theo quyết định này, Vnsteel sẽ thoái toàn bộ vốn góp tại PGI và một phần tại KMT ngay trong trong quý IV/2016, theo hình thức khớp lệnh hoặc bán thỏa thuận trên sàn. Vốn được thoái theo nguyên tắc đảm bảo bảo toàn vốn (giá bán không thấp hơn giá sổ sách của Tổng công ty đang ghi nhận sau khi trừ đi các khoản đã trích lập dự phòng nếu có).
Với các yêu cầu trên, việc thoái vốn tại KMT của Tổng Công ty được đánh giá sẽ gặp không ít khó khăn khi cổ phiếu này gần như không có giao dịch tại HNX, thị giá rơi dưới mệnh giá và đứng yên ở mức 6.000 đồng/CP trong 2 tháng gần nhất.
Thực tiễn hoạt động thoái vốn Nhà nước cho thấy, tại các doanh nghiệp hoạt động yếu kém, với mục đích chủ yếu là cắt lỗ khoản đầu tư, việc thoái vốn bằng khớp lệnh qua sàn chứng khoán khó đạt được hiệu quả. Việc tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng cổ phần là phương án khả dĩ hơn với các Tập đoàn, Tổng Công ty.
Chẳng hạn, cuối tháng 9 vừa qua, Tổng công ty Vận tải Hà Nội đã thoái thành công toàn bộ 89,55% vốn tại CTCP Xe khách Hà Nội (CXH - UPCoM) nhờ chuyển nhượng cho một loạt tổ chức là CTCP Parus (20%), Công ty TNHH Giao nhận vận tải Bình Minh (16,05%), CTCP Đầu tư phát triển Hồng Bàng (15%), CTCP Xăng dầu chất đốt Hà Nội (24%).
Ngay chính Tổng công ty Sông Đà, việc đăng ký bán 1,13 triệu cổ phiếu GSM để thoái vốn tại CTCP Thủy điện Hương Sơn, thực chất là chuyển quyền sở hữu cổ phiếu GSM cho các nhà đầu tư qua hệ thống của Trung tâm lưu ký chứng khoán đối với các nhà đầu tư đã ký thỏa thuận với Tổng Công ty về việc nhận lại tài sản theo các điều khoản tại Hợp đồng ủy thác đầu tư.
Thoái vốn qua sàn sẽ tạo cơ hội mua công khai cho tất cả nhà đầu tư, tuy nhiên, trong bối cảnh TTCK có cả nghìn cổ phiếu đang giao dịch, dòng vốn từ TTCK sẽ có sự chia sẻ khi hàng mới đem bán không có gì ấn tượng. Dù vậy, các đợt thoái vốn ồ ạt vào cuối năm cũng sẽ tạo áp lực nguồn cung lớn lên diễn biến chung của TTCK.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13/10, VN-Index đạt 685,52 điểm, tăng 0,41% so với phiên trước đó. Trên sàn Hà Nội, đà khởi sắc cũng được duy trì khi HNX-Index tăng 0,53%, lên mức 85,34 điểm. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu TTCK giữ vững đà khởi sắc đến cuối năm, sẽ tạo điều kiện tốt cho các “ông lớn” thoái vốn.