Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, người dân không nên quá hy vọng vào vaccine mà lơ là phòng dịch Covid-19, vì sớm nhất cũng phải cuối năm 2021 loại vaccine này mới được tiêm rộng rãi tại Việt Nam.
Hiện nay, Công ty Nanogen đã sản xuất được 5.000 liều vaccine Covid-19 để phục vụ việc thử nghiệm trên người. Theo kế hoạch, ngày 10/12 tới, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) sẽ tuyển các tình nguyện viên để đến ngày 17/12 bắt đầu tiến hành thử nghiệm vaccine trên người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, Học viện Quân y thử nghiệm không trên sinh viên mà chúng tôi kêu gọi là những người tình nguyện tham gia.
Hai giai đoạn này chủ yếu thử nghiệm tính an toàn, còn tính siêu miễn dịch thì chưa có đủ mẫu lớn để đánh giá.
Giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm trên diện rất rộng và hiện nay chúng tôi đã chọn và trao đổi tích cực phối hợp với 3 nước để chúng ta thử nghiệm giai đoạn 3, vì ở Việt Nam hiện nay không có sự lây nhiễm trong cộng đồng nên không thử nghiệm được giai đoạn 3. Giai đoạn 3 chúng tôi chọn là Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia để thử nghiệm vaccine này".
Vaccine Covid-19 của Việt Nam sắp thử nghiệm trên người và trên thế giới cũng đang có những thông tin khả quan về tình hình sản xuất vaccine.
Tuy nhiên theo các chuyên gia y tế, sẽ khó khăn nếu muốn có được nguồn vaccine từ nước ngoài do nguồn cung chưa dồi dào và chi phí cao; còn ở trong nước, nếu thuận lợi thì cũng phải đến cuối năm 2021 mới có thể tiêm đại trà vaccine Covid-19 trong cộng đồng vì quá trình thử nghiệm rất nghiêm ngặt và mất khá nhiều thời gian.
Ông Trần Đắc Phu, chuyên gia cao cấp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 cho rằng: "Trong lúc này người dân không nên chờ đợi vaccine mà lơ là chủ quan. Thay vào đó cần duy trì thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh. Chính quyền cũng phải vào cuộc quyết liệt, ngăn chặn không để dịch tái bùng phát. Mọi người cần thực hiện tốt thông điệp 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế) phòng chống dịch trong điều kiện bình thường mới, để vừa phát triển kinh tế, vừa không bị dịch bệnh".