Tại lễ khai trương văn phòng kinh doanh của một hãng bảo hiểm mới đây, lãnh đạo cấp cao của hãng bảo hiểm này chính thức đưa ra mục tiêu đạt 100 tỷ đồng phí bảo hiểm khai thác trong những tháng cuối năm 2019.
Đây là mục tiêu khá “nặng ký” trong bối cảnh thị trường đang có sự điều chỉnh về tốc độ tăng trưởng.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, thị trường bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng nhờ sự dẫn dắt của kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance), trong khi kênh đại lý (agency) vẫn đang chững lại.
Theo ước tính sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, kênh agency toàn thị trường đang tăng trưởng khoảng 5% (tính đến tháng 8/2019) với đóng góp chủ yếu của Manulife.
“Nếu loại trừ con số tăng trưởng phí khai thác mới từ kênh agency của Manulife thì tăng trưởng phí khai thác mới của toàn thị trường không đạt được con số trên”, một nguồn tin trong ngành bảo hiểm chia sẻ.
Manulife đang là một trong số ít công ty bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao ở cả hai kênh agency và bancassurance, đặc biệt doanh thu từ kênh agency vẫn tăng trưởng rất cao trong bối cảnh nhiều công ty bảo hiểm khác suy giảm.
Chính vì thế, có thời điểm doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của hãng bảo hiểm này đã vươn lên dẫn đầu thị trường.
Trở lại với đà tăng trưởng của toàn khối nhân thọ, theo thống kê sơ bộ của các doanh nghiệp bảo hiểm, phí bảo hiểm khai thác mới 8 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng ở mức 16%, trong đó kênh bancassurance đang có tốc độ tăng trưởng khoảng 67%, kênh agency khoảng 5%, còn lại là các kênh khác.
Doanh thu phí mới của kênh bancassurance tính đến tháng 8/2019 đang chiếm hơn 28% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới toàn thị trường.
Đây là con số đã được dự đoán trước, bởi ngay từ thời điểm cuối năm 2018 đầu năm 2019, một số công ty bảo hiểm đã chia sẻ, cùng với kênh phân phối thông qua đại lý, kênh bancassurance sẽ là chiến lược quan trọng năm 2019.
“Chúng tôi dự kiến doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới của bancassurance sẽ tăng khoảng 30-40% trong năm 2019. Mục tiêu này là khả thi, bởi các ngân hàng đã bắt đầu vào guồng sau thời gian chuẩn bị”, ông Takashi Fujii, Chủ tịch Hội đồng thành viên Dai-ichi Life Việt Nam từng chia sẻ với phóng viên trong một cuộc trò chuyện hồi đầu năm.
Bancassurance được nhìn nhận sẽ tiếp tục là kênh quan trọng và đóng góp lớn hơn nữa vào tổng doanh thu phí bảo hiểm mới của khối nhân thọ, đặc biệt là khi thương vụ hợp tác “bom tấn” Vietcombank chính thức được công bố và đẩy mạnh khai thác.
Một số thương vụ hợp tác bancassurance độc quyền khác cũng sẽ được công bố trong thời gian tới. Tất nhiên, không chỉ Dai-ichi Life, nhiều tên tuổi khác như Manulife, Prudential, AIA hay Generali… cũng đã có chiến lược phát triển mới cho bancassurance.
Trong khi đó, kênh agency được đánh giá sẽ còn gặp khó khăn, bởi vừa phải cạnh tranh với kênh bancassurance (một số khách hàng bắt đầu quen sử dụng các dịch vụ của ngân hàng, bao gồm cả việc mua bảo hiểm - PV), vừa chịu tác động từ quy định mới về đào tạo đại lý của Bộ Tài chính.
“Prudential dường như vẫn chưa lấy lại được ‘phong độ’ từ kênh agency, trong khi Dai-ichi Life vẫn đang tiếp tục chiến lược tái cơ cấu, điều chỉnh tốc độ tăng trưởng, nên phần nào ảnh hưởng tới tăng trưởng doanh thu phí mới trong 8 tháng qua”, lãnh đạo cấp cao của một công ty bảo hiểm đánh giá.
Tuy nhiên, vị này không quá lo lắng về con số tăng trưởng 16% của thị trường nhân thọ trong 8 tháng đầu năm 2019 khi cho rằng, mức tăng trưởng này là phù hợp với sự phát triển chung của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong bối cảnh đã tăng trưởng quá nóng những năm trước.