Cước vận tải tăng, tiếp tục làm khó doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
Đơn hàng dồi dào, nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn do giá cước vận tải biển vẫn trong xu hướng tăng trong năm 2022 và tình trạng thiếu container rỗng.
Chi phí logistics tăng cao vẫn là thách thức lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong năm 2022.

Chi phí logistics tăng cao vẫn là thách thức lớn, ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong năm 2022.

Oằn vai gánh cước vận tải

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá cước vận tải biển đã leo thang sang năm thứ 3, đứt gãy chuỗi cung ứng, khan hiếm container rỗng, đẩy doanh nghiệp vào cảnh rất khó thuê tàu.

Tại Diễn đàn “Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả” mới đây, Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) thừa nhận, cước phí vận chuyển hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ do tác động của đại dịch, thực tế này diễn ra suốt hơn 1 năm qua, cao điểm là năm 2021 với nhiều thời điểm leo thang chóng mặt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều rất khổ.

“Giá cước vận tải biển đã tăng từ năm 2020, nhưng sau sự cố tàu vận chuyển container Ever Given bị mắc cạn ở kênh đào Suez hồi tháng 3/2021 đã đẩy giá vận tải biển tăng hơn nữa, trong khi cước vận tải chiếm đến 48-54% giá hàng hóa”, bà Đinh Thị Thu Hương, Giám đốc bán hàng Doveco cho hay.

Không chỉ phải chịu cảnh giá cước tăng, theo bà Hương, doanh nghiệp còn gánh thêm hàng loạt loại phí như phí cân bằng container, phí kẹt cảng, phí vệ sinh, phí nhiên liệu sạch…

Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM (FFA) thông tin, chi phí logistics tăng cao, thời gian giao hàng kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt nhận đơn xuất khẩu.

“Các đối tác trên thế giới đặt hàng số lượng lớn, nhưng nhiều doanh nghiệp thành viên FFA không dám nhận”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch FFA chia sẻ.

Theo bà Chi, đến nay, nguyên liệu đầu vào tăng giá 30-50%. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là chi phí logistics. Trước đây, giá một container đi Mỹ chỉ khoảng 2.000 USD, sau 2 năm dịch, giá hiện dao động từ 10.000 đến 15.000 USD.

Theo chỉ số cước giao vận Freightos FBX, chi phí vận chuyển một container 40 feet (FEU) hiện đã giảm khoảng 15% so với mức cao kỷ lục trên 11.000 USD ghi nhận hồi tháng 9/2021. Tuy nhiên, trước khi đại dịch bùng phát, chi phí của cùng một đơn vị đó chỉ là 1.300 USD.

Hiệp hội Logistics TP.HCM xác nhận, chi phí vận tải biển đã tăng từ 3 đến hơn 10 lần trong 2 năm qua, áp lực lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu rất lớn. Trước đây, hàng từ cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đi Mỹ có thể mất 18-30 ngày, thì giờ lên 3 tháng.

Tác động nặng nề

Xuất khẩu hàng hóa trong năm 2022 được dự báo vẫn tăng trưởng khả quan nhờ các giải pháp sản xuất an toàn, linh hoạt, nhiều ngành từ trên 1 tỷ USD đến vài chục tỷ USD hiện đã “đầy ắp” đơn hàng cho quý I, thậm chí nhiều doanh nghiệp có đủ đơn đến hết quý II. Nhưng đi kèm theo thuận lợi về đơn hàng, thị trường, rào cản cước phí vận chuyển tăng hơn chục lần so với trước dịch, thậm chí một số thời điểm doanh nghiệp chấp nhận thuê tàu giá cao, nhưng không thuê nổi, thực sự là bài toán thách thức doanh nghiệp.

Mệt mỏi nhất là các ngành hàng đặc thù cần bảo quản container lạnh, nếu hàng sản xuất xong, chưa có container đóng hàng, doanh nghiệp sẽ lĩnh đủ vì chi phí lưu kho và sức ép phải giao hàng đúng hẹn cho khách.

Giá vận chuyển cao và thời gian vận chuyển kéo dài, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng đến, kèm chi phí liên quan tăng cao khiến các sản phẩm trái cây tươi như xoài, bưởi, thanh long, vú sữa... bị giảm chất lượng hoặc hư hỏng.

Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries cho rằng, do đại dịch chưa chấm dứt, nên thương mại phải chịu ảnh hưởng bởi chi phí vận tải tăng cao, thiếu hụt container rỗng sẽ kéo dài đến năm 2023.

Một báo cáo của Liên hợp quốc vào tháng 11/2021 cho biết, giá cước vận tải cao đang đe dọa sự phục hồi toàn cầu. Chúng có thể làm tăng giá nhập khẩu toàn cầu lên 11% và giá tiêu dùng tăng 1,5% đến năm 2023. Các chuyên gia quốc tế cũng dự báo giá cước vận tải biển sẽ không thể quay về bình thường trước năm 2023.

Báo cáo lưu ý rằng, các hàng hóa rẻ sẽ tăng giá mạnh hơn so với các mặt hàng đắt đỏ. Các quốc gia nghèo thường sản xuất các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như đồ nội thất và hàng dệt may sẽ bị ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng cạnh tranh.

Công ty tư vấn Oxford Economics (Anh) cho biết, giá bán lẻ của những thương hiệu tủ lạnh giá rẻ sẽ “phình” thêm tới 24% so với mức tăng 6,5% của các thương hiệu đắt tiền hơn.

Tại Diễn đàn Phát triển ngành logistics Việt Nam với khu vực châu Âu - châu Mỹ mới đây, ông Hans Kerstens, Phó trưởng Tiểu ban Vận tải và Hậu cần (EuroCham) cho rằng, chi phí vận tải biển đã tăng quá mạnh, cộng với Covid-19 liên tục thêm chủng mới cho thấy, ảnh hưởng của cước vận tải biển tăng còn kéo dài.

“Trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp cần có sự điều chỉnh nhằm đa dạng hóa phương thức vận tải, không chỉ phụ thuộc đường thủy nữa, đường sắt là sự lựa chọn trong một số tuyến xuất khẩu hàng hóa”, ông Hans Kerstens đề xuất.

Tin bài liên quan