Câu chuyện đầu tiên được bà Nguyễn Hiểu Hồng, đại diện Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu lên là những bất cập về cước vận tải và giá xăng dầu, cũng như cách thức ứng xử của cơ quan quản lý nhà nước trong câu chuyện này thời gian gần đây.
Cụ thể, khảo sát của VCCI cho thấy, trong thời gian từ 4/7/2015 - 4/9/2015, giá xăng thế giới giảm mạnh dẫn tới giá xăng bán tại thị trường trong nước giảm 16 - 17%, tuy nhiên, giá cước taxi vẫn giữ nguyên.
Theo tính toán, xăng dầu chiếm khoảng 30 - 40% chi phí vận tải, nên nếu giá xăng giảm 10% thì giá cước vận tải sẽ phải giảm khoảng 3,5 - 4%, song trong thời kỳ giá xăng giảm mạnh vào nửa cuối năm 2015, giá cước vận tải hầu như không giảm.
Ước tính sơ bộ của VCCI cho thấy, việc cước vận tải không giảm tương ứng với giá xăng khiến người tiêu dùng thiệt từ 400 - 10.000 đồng/km khi sử dụng các phương tiện vận tải như xe khách, taxi, xe tải.
Từ thực tế này, VCCI cho rằng, đã có dấu hiệu của hành vi thỏa thuận cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khiến người tiêu dùng chịu thiệt.
Để giải quyết bất cập, cơ quan nhà nước lúc đó đã yêu cầu doanh nghiệp phải tính toán lại cơ cấu giá và giảm giá theo xu hướng giảm giá bán xăng, đồng thời buộc doanh nghiệp công bố mức giảm giá cước vào ngày 11/9/2015 tại địa phương.
“Pháp luật về giá đang quy định cước vận tải phải thực hiện thủ tục kê khai giá trước năm 2017. Thủ tục này được thiết kế tương tự như thủ tục đăng ký giá, khi cơ quan nhà nước sẽ xem xét tính hợp lý trong tính toán giá của doanh nghiệp để yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh theo diễn biến của thị trường. Tuy nhiên, các biện pháp này cho thấy, hầu như hành vi vi phạm cạnh tranh của doanh nghiệp chưa được xem xét, giải quyết dưới góc độ cạnh tranh mà chủ yếu vẫn nặng về can thiệp hành chính vào thị trường”, bà Hồng bình luận.
Câu chuyện tương tự là vấn đề giá sữa vốn tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết một cách phù hợp theo đúng pháp luật cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường. VCCI cho biết, vào tháng 8/2015, giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm từ 12 - 20%, trong đó giảm nhiều nhất tại thị trường châu Úc (30% - 35%). Trong khi đó, giá sữa bột thành phẩm của Việt Nam không giảm, dù có tới 80% nguyên liệu sữa bột sử dụng ở Việt Nam được nhập khẩu.
Cách giải quyết của cơ quan chức năng tiếp tục là áp dụng biện pháp hành chính, theo đó đưa mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi vào Danh mục sản phẩm bình ổn giá và áp giá trần cho một số sản phẩm loại này.
“Câu chuyện này một lần nữa cho thấy, vấn đề giá sữa chưa được xem xét dưới góc độ là liệu có thỏa thuận ngầm hạn chế cạnh tranh hay không. Đây là biện pháp không phù hợp với định hướng kinh tế thị trường hiện nay”, bà Hồng nhấn mạnh.
Chưa kể, còn hàng loạt câu chuyện về vi phạm cạnh tranh của chính cơ quan nhà nước khi yêu cầu đẩy mạnh sử dụng, tiêu thụ sản phẩm của một doanh nghiệp thông qua việc yêu cầu vận động, ưu tiên sử dụng đích danh sản phẩm.
Theo ông Đoàn Tử Tích Phước, Giám đốc pháp lý và chính sách Văn phòng đại diện Công ty BowerGroupAsia tại Việt Nam, hiện nay tuy có pháp luật về cạnh tranh nhưng chưa có chính sách cạnh tranh, dẫn tới sự thiếu hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực này và nền kinh tế chưa được vận hành theo thị trường đúng nghĩa xét trên góc độ cạnh tranh.
Để đảm bảo có pháp luật cạnh tranh đầy đủ, hoàn thiện cho nền kinh tế thị trường, chính sách cạnh tranh cần có các điều kiện gia nhập thị trường, chính sách đối với doanh nghiệp nhà nước và đặc biệt là các trường hợp nhà nước hỗ trợ can thiệp vào thị trường.
Riêng với hành vi can thiệp của nhà nước vào cạnh tranh của thị trường, ông Phước cho rằng, rất cần có những quy định rõ về độc quyền hành chính trong dự thảo Luật Cạnh tranh sửa đổi đang được Bộ Công thương soạn thảo để đảm bảo việc can thiệp của cơ quan nhà nước nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật và không bóp méo thị trường.
Cụ thể, ông Phước đề xuất đưa vào áp dụng với chính các đối tượng là cơ quan nhà nước, trực tiếp là thủ trưởng cơ quan, công chức, cán bộ thuộc cơ quan đó. Đồng thời, có cơ chế thực thi với chế tài đủ mạnh và cơ quan giám sát thực thi rõ ràng, chẳng hạn mô hình Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đối với cơ quan ngang bộ và thậm chí ở cấp cao hơn để giám sát các cơ quan nhà nước thực thi Luật Cạnh tranh.