Bị cáo Nguyễn Đức Kiên khai trước tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên khai trước tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Cuộc “tái ngộ” giữa bầu Kiên và ông Trần Đình Long tại phiên phúc thẩm

(ĐTCK) Nguyễn Đức Kiên và ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (mã HPG) từ chỗ là bạn thân hàng chục năm cả trên thương trường, đời thường và bóng đá, nay trở thành hai phía đối lập, bên bị truy tố, xét xử và bên bị thiệt hại trong phiên tòa.

Sáng nay, ngày 3/12, bị cáo Nguyễn Đức Kiên đã trình bày trước Hội đồng xét xử phúc thẩm về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến việc chuyển nhượng 20 triệu cổ phiếu Thép Hòa Phát, đã bị thế chấp cho phía Hòa Phát.

Bị cáo Kiên nhiều lần nhắc đến mối quan hệ bạn bè thân thiết với Chủ tịch HPG Trần Đình Long và nhấn mạnh: “tình bạn của tôi và anh Long hàng trăm tỷ không mua được”.

“Tôi rất buồn”, bị cáo Kiên nói và cho rằng, sai sót là của Thép Hòa Phát, nhưng vì lo lắng cho bạn bè nên đã không khai rõ ai sai, sai ở đâu khi được Cơ quan cảnh sát điều tra lấy cung.

Nguyễn Đức Kiên trình bày, bị cáo và ông Long đã là bạn bè nhiều năm, nên không thể có chuyện ai lừa ai, vì cả hai đủ trình độ để không ai có thể lừa ai.

Bị cáo Kiên nói: “Tôi hy vọng các anh bình tĩnh khi nghe tôi trình bày trước Tòa. Tôi hoàn toàn tin tưởng Hòa Phát, cũng như Hòa Phát tin tưởng vào tôi.

Vào ngày 21/5/2012, sau khi hợp đồng được ký kết, tôi khẳng định, phía Hòa Phát đã sở hữu thành công 20 triệu CP, bởi đây là bút toán ghi sổ, thuộc thẩm quyền của anh Trần Tuấn Dương (Tổng giám đốc HPG), là người quản lý bút toán ghi sổ tại công ty.

Với thẩm quyền của mình, anh Trần Tuấn Dương, anh Mai Văn Hà đã thực hiện thành công sang tên cổ phiếu cho Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát, bằng chứng là CTCP Thép Hòa Phát đã gửi thông báo tới Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương, BCTC 6 tháng đầu năm 2012, Thép Hòa Phát đã ghi nhận sự tăng vốn này.

Như vậy, thời điểm đó, Thép Hòa Phát đã sở hữu thành công 20 triệu cổ phiếu và không có chuyện chưa nhận được cổ phiếu như công văn của Thép Hòa Phát gửi cơ quan điều tra.

Tòa sơ thẩm căn cứ vào thỏa thuận trong hợp đồng về trách nhiệm của bên bán là cam kết số cổ phiếu này không thế chấp, không thực hiện bảo đảm cho nghĩa vụ thanh toán nào.

Tôi khẳng định, Công ty ACBI không thế chấp, không có hợp đồng thế chấp, không thực hiện nghĩa vụ bảo đảm nào. Công ty ACBI chỉ ký hợp đồng quản lý tài sản và chỉ thực hiện bảo đảm và có điều kiện, tức là chỉ khi nào công ty không trả được nợ mới thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

Khi ký hợp đồng chuyển nhượng vào tháng 5/2012, số cổ phiếu này chưa thực hiện nghĩa vụ bảo đảm, Công ty chứng khoán ACBS cũng không yêu cầu thực hiện nghĩa vụ bảo đảm.

Sau khi tôi bị bắt có thể có nhiều sức ép, cổ đông nước ngoài gây áp lực, nên Thép Hòa Phát yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ, chứ không phải tố cáo tôi.

Tôi rất buồn. Trước khi bị khởi tố, tôi đã xin cơ quan điều tra cho làm việc với anh Long chỉ 5 phút thôi để làm rõ, nhưng không được. Đây là hợp đồng dân sự, nếu cần hai bên có thể làm việc, thỏa thuận không cần thiết phải hình sự hóa. Đây là vấn đề đơn giản, do sai sót chứ không phải lừa đảo.

Trong hồ sơ vụ án, có 2 bản cung của tôi xác nhận có sai sót, sai phạm trong việc chuyển nhượng. Việc chuyển nhượng thành công khi chưa được ACBS đồng ý là có sai sót, nhưng đây không phải là nhận tội. Tôi không ghi rõ ai sai, sai ở đâu vì lo lắng cho bạn bè.

Tại tòa sơ thẩm, luật sư đã yêu cầu tôi cho khai thác nội dung này để làm vũ khí bảo vệ tôi, nhưng tôi đều yêu cầu anh Ngọc (Luật sư Ngô Huy Ngọc – PV) không dùng nội dung này vì nó có thể nguy hiểm cho anh Long, anh Dương và vì xã hội có thể hiểu là khi ra tòa, ông Kiên sẵn sàng đẩy bạn bè vào nguy hiểm.

Ở đây, ai thiệt hại thì tôi cho là ACBI thiệt hại, chứ không phải Thép Hòa Phát, việc Cơ quan cảnh sát điều tra thu giữ 264 tỷ đồng của ACBI để trả cho Thép Hoà Phát là lần thứ hai chiếm đoạt tài sản của ACBI. Cá nhân tôi, Công ty ACBI không khắc phục hậu quả.

Tôi biết là Hòa Phát sai, sai về mặt thủ tục. Khi biết sai, tôi chỉ đạo không dùng 53 tỷ đồng, tôi vào TP. HCM họp với thường trực ACB và yêu cầu trả lời sớm việc giải chấp vì kéo dài rồi.
Cuộc “tái ngộ” giữa bầu Kiên và ông Trần Đình Long tại phiên phúc thẩm ảnh 1

Ông Trần Đình Long tại Tòa (ảnh chụp qua màn hình)

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG nói:

Tập đoàn Hòa Phát sản xuất đa ngành, trong đó có thép và bất động sản. Chúng tôi có cổ phần tại CTCP Bất động sản Hòa Phát Á châu. Anh Kiên và ACBI có cổ phần tại CTCP Thép Hòa Phát.

Theo chủ trương, Hòa Phát muốn tập trung lại về ngành thép. Do đó, tôi đề nghị anh Kiên, tôi muốn mua lại cổ phần thép của anh Kiên và bán cổ phần bất động sản, thực chất là rút tiền đầu tư khỏi bất động sản. Anh Kiên làm ngân hàng thì trường vốn hơn, có điều kiện làm bất động sản hơn.

Tất cả thỏa thuận anh Kiên khai tại tòa sơ thẩm, tinh thần đúng là như thế.

Tôi bán cổ phần của Bất động sản Hòa Phát Á Châu cho anh Kiên, anh Kiên bán cổ phần Thép Hòa Phát cho tôi.

Về việc 20 triệu cổ phiếu này đang được thế chấp tại ACB để bảo đảm cho khoản trái phiếu 800 tỷ đồng do ACBI phát hành, tại tòa sơ thẩm, tôi đã nói tôi không biết. Khi thỏa thuận như thế, về nguyên tắc chúng tôi là Chủ tịch HĐQT chỉ thỏa thuận, bên dưới tổ chức thực hiện.

Khi có cán bộ của cơ quan cảnh sát điều tra đến làm việc thì tôi mới biết cổ phiếu bị thế chấp. Lúc đó tôi cũng giật mình, thực sự không biết gì cả.

Chúng tôi cử anh Việt sang hỏi anh Thanh (bị án Trần Ngọc Thanh - PV), Tổng giám đốc ACBI. Anh Thanh xác nhận cổ phiếu đã thế chấp, ACBI đang làm thủ tục giải chấp. ACBI sau đó có công văn gửi cho chúng tôi nói số cổ phiếu đó đang được làm thủ tục giải chấp.

Về việc vì sao ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát, ký xác nhận phong tỏa mà Tập đoàn Hòa Phát không biết, đó là sơ suất của anh Hà, anh Hà không báo cáo lãnh đạo tập đoàn.

Cuộc “tái ngộ” giữa bầu Kiên và ông Trần Đình Long tại phiên phúc thẩm ảnh 2

 (ảnh chụp qua màn hình)

  

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG:

Về giao dịch này, anh Kiên, anh Long đàm phán chính, tôi có tham dự. Cuộc đàm phán diễn ra nhiều lần. Tôi xác nhận việc anh Long báo cáo trước tòa là hoàn toàn đúng. Cả anh Long và tôi đều không biết số cổ phần này bị thế chấp. Khi công an báo lại chúng tôi cũng không tin lắm, nên cử anh Việt sang làm việc với ACBI.

Anh Hà báo cáo lại là ký xác nhận phong tỏa nhưng không lưu hồ sơ, không báo cáo nên mọi ngươi không biết. Bản thân anh Hà cũng không nhớ. Đây là sơ xuất về hành chính.

Xin nói thêm quan điểm trước Tòa, công ty con của Hòa Phát có làm đơn yêu cầu điều tra làm rõ (công văn ngày 5/9/2012). Tôi nói rõ đó là nhờ điều tra làm rõ, chứ không phải tố cáo. Tính đến hôm nay, sau khi vụ việc xảy ra, chúng tôi đã nhận được số tiền 264 tỷ đồng vì việc mua bán không thành.

Năm 2013, chúng tôi đã mua lại được số cổ phiếu đó. Chúng tôi xác nhận, đến thời điểm này, chúng tôi không có thiệt hại gì. Mong tòa phúc thẩm xem xét vấn đề nhẹ  nhàng hơn.

Cuộc “tái ngộ” giữa bầu Kiên và ông Trần Đình Long tại phiên phúc thẩm ảnh 3

 (ảnh chụp qua màn hình)

Ông Mai Văn Hà, Giám đốc CTCP Thép Hòa Phát (thời điểm ký xác nhận là Phó GĐ):

Tôi là người ký xác nhận đề nghị phong tỏa số cổ phiếu. Thời điểm đó Giám đốc đi vắng, tôi được ủy quyền ký giấy xác nhận đề nghị phong tỏa. Tôi nghĩ đó là ký xác nhận bình thường. Tôi có sơ suất là không lưu, không báo cáo và sau đó tôi quên mất, cho đến 2012, khi được hỏi lại tôi không nhớ nữa. Tôi đã phải làm văn bản giải trình nhận lỗi đối với Ban Lãnh đạo Tập đoàn.

Cuộc “tái ngộ” giữa bầu Kiên và ông Trần Đình Long tại phiên phúc thẩm ảnh 4

 (ảnh chụp qua màn hình)

Ông Kiều Chí Công (Giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát):

Khi ký hợp đồng chuyển nhượng, tôi không trực tiếp tham gia đàm phán, mà được lãnh đạo Tập đoàn chỉ đạo thực hiện. Khi ký tôi không biết có việc thế chấp cổ phần.

Việc thực hiện hợp đồng, sau khi ký hợp đồng và thanh toán tiền cho ACBI, tôi nghĩ là hợp đồng đã xong. Khi Cơ quan cảnh sát điều tra đến công ty gặp, tôi mới biết cổ phiếu đã được thế chấp.

Đến 5/9/2012, chúng tôi có đơn kiến nghị gửi cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu điều tra làm rõ.

Đến nay, chúng tôi không có thiệt hại gì. Tôi không có đơn tố cáo, không có mâu thuẫn với anh Kiên, anh Thanh, chị Yến. Đến nay, chúng tôi đã mua lại được số cổ phiếu này và đã làm thủ tục giữa bốn bên (ACBI, Thép Hòa Phát, ACBS…), hoàn thành vào tháng 10/2013.

Tin bài liên quan